Kế hoạch 93/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 15/04/2024
Ngày có hiệu lực 15/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Quang Nam
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 6074/BTTTT-CĐSQG ngày 06/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh; trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chiến lược, chương trình phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp công nghệ số, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2024 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2023

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Ngày 04/3/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố năm 2023 với chủ đề “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, bao gồm 39 chỉ tiêu (trong đó 26 chỉ tiêu theo Kế hoạch của quốc gia và 13 chỉ tiêu là tiêu chí riêng, đặc thù của thành phố), bao gồm 08 chỉ tiêu Dữ liệu số, 13 chỉ tiêu Chính quyền số, 06 chỉ tiêu Kinh tế số, 12 chỉ tiêu Xã hội số; và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai (bao gồm 10 nhiệm vụ chung của các địa phương theo Kế hoạch của quốc gia; 01 nhiệm vụ giao riêng thành phố Đà Nẵng về Triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, toàn diện trên 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và 24 nhiệm vụ riêng của Thành phố). Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra, kết quả cụ thể như sau:

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU

1. Kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát

Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng năm thứ 03 (ba) liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Thành phố Đà Nẵng cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng Nhất chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (13 lần liên tiếp, năm 2009-2022 dẫn đầu bảng xếp hạng).

Việc triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số góp phần TP. Đà Nẵng được các Tổ chức, Hiệp hội chuyên ngành đánh giá và tôn vinh, trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 (04 năm liên tiếp 2020-2023), Giải thưởng Thành phố thông minh (duy nhất) Việt Nam năm 2023 (04 năm liên tiếp 2020-2024) và 03 giải thưởng chuyên đề: Thành phố Điều hành, Quản lý, Hạ tầng, Dịch vụ công thông minh; Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tháng 05/2023, thành phố Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận Top tổ chức, địa phương tiêu biểu thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số.

Điểm nổi bật năm 2023 về kinh tế số thành phố Đà Nẵng là Khu FPT Complex của Tập đoàn FPT là Khu CNTT tập trung thứ 3 tại thành phố Đà Nẵng được Chính phủ quyết định thành lập (tháng 3 năm 2023); đưa vào thí điểm Nền tảng chuỗi khối (blockchain) của thành phố Đà Nẵng; Thành phố Đà Nẵng có năm thứ 2 liên tiếp thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về Chỉ số thương mại điện tử (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) theo Báo cáo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023. Doanh nghiệp công nghệ số thành phố tiếp tục có nhiều sản phẩm chủ lực và đạt giải thưởng lớn, như: Sản phẩm Sàn thương mại điện tử Selly của Công ty TNHH Selly đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục dành cho các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số; Nền tảng Quản lý chuỗi cung ứng và xưởng sản xuất cho thương hiệu thời trang toàn cầu - Wetex - Công ty Cổ phần Công nghệ Tex đạt Giải thưởng Hiệu suất quản trị (InnoBiz Efficiency Award) thuộc Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức; Hệ thống thông tin an toàn thực phẩm (UniFS) của Công ty cổ phần Unitech thuộc Top 10 Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Chính phủ số thuộc Giải thưởng Make in Viet Nam; Nền tảng SmartOS đạt Giải thưởng Best Solution Award 2023.

Điểm nổi bật năm 2023 về xã hội số thành phố Đà Nẵng là: Thành phố đã đưa vào sử dụng các ứng dụng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân như Hệ thống Bản đồ số mưa ngập với thông tin dữ liệu tại hơn 2.000 điểm/khu vực ngoài đô thị (đo mưa, ngập, sạt lỡ, nhà sơ tán, ...), so sánh mức ngập lịch sử năm 2022, giúp Người dân sử dụng Bản đồ số mưa ngập để chủ động trong di chuyển, đi lại hoặc ứng phó với tình trạng mưa ngập, sạt lở; tìm kiếm vị trí và hướng di chuyển đến các địa điểm sơ tán dân; gửi thông tin/đề nghị hỗ trợ đến chính quyền một cách nhanh chóng.

Nền tảng hành trình số hỗ trợ người dân an tâm theo dõi, giám sát hành trình xe cấp cứu theo thời gian thực, phân tích dữ liệu góp ý của người dân để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nền tảng đã tích hợp công nghệ định vị chính xác 3 từ (what3words), tối ưu hóa thời gian chọn lựa phương tiện và kíp cấp cứu, gợi ý lộ trình xe cứu thương, từ định tuyến tốt hơn đến thời gian phản ứng nhanh hơn, giúp bệnh nhân có thể nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc y tế nhanh hơn, tốt hơn.

Ngày 25/9/2023, Thành phố Đà Nẵng được Tổ chức WeGO (Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới) phối hợp cùng Chính quyền thành phố Seoul xét chọn và vinh danh tại Giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul 2023, hạng mục “Human-CentriCity Prize” - Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm, với sản phẩm Nền tảng hành trình số. Đây là ghi nhận quốc tế mới nhất dành những thành tựu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng với quan điểm “Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”.

2. Kết quả thực hiện mục tiêu chuyển đổi số năm 2023 (của thành phố và quốc gia)

Kế hoạch hành động Chuyển đổi số năm 2023 xác định 39 chỉ tiêu, bao gồm: các chỉ tiêu tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS (bằng hoặc cao hơn) và một số chỉ tiêu khác theo đặc thù của thành phố Đà Nẵng. Đến nay, các chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức (12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, 14 chỉ tiêu đã hoàn thành và 13 chỉ tiêu đang tiếp tục triển khai). Kết quả chi tiết tại Phụ lục I đính kèm.

III. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2023 (theo Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 04/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban) đã được triển khai đảm bảo tiến độ, cụ thể như sau:

1. Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn; ban hành kế hoạch hành động triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình

Thành phố Đà Nẵng đã tổng kết kết quả triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của UBQG về chuyển đổi số năm 2023, trong đó báo cáo kết quả triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và 12 nhóm mô hình chuyển đổi số ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn năm 2023 gồm: Chuyển đổi số gắn với chủ trương, mục tiêu lớn trong phát triển Thành phố; Cả hệ thống chính trị tham gia triển khai chuyển đổi số; Phạm vi, lĩnh vực, chỉ tiêu triển khai chuyển đổi số phù hợp với đặc thù, lợi thế của thành phố; Mô hình triển khai Trung tâm IOC và OC; Triển khai mạng Lora vô tuyến miễn phí để huy động cộng đồng phát triển các dịch vụ, tiện ích số; đồng thời giảm chi phí đường truyền; Triển khai Nền tảng Blockchain để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dùng chung; Triển khai các Khu CVPM và khu CNTT để phát triển kinh tế số; Triển khai Kho kết quả TTHC số, Kho dữ liệu người dân; Hệ thống giải quyết TTHC (bao gồm DVC sự nghiệp, gắn mã QRCode kết quả TTHC để cung cấp DVC “nâng cao”, Đại lý DVC, ..); Triển khai App đa dịch vụ, tiện ích Danang Smarrtcity; Cổng Góp ý Đà Nẵng có 15 lĩnh vực, không chỉ là “góp ý hiện trường”; Nền tảng hành trình số (114, 115) sử dụng định vị chính xác, rút ngắn thời gian tiếp cận cấp cứu, cứu hộ. (Công văn số 3313/STTTT-CNTT ngày 29/12/2023 của Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng)

2. Ban hành kế hoạch hành động năm 2023 và các sáng kiến Năm dữ liệu số của địa phương

Ngày 04/3/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố năm 2023, với chủ đề “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

Từ ngày 01/01/2023, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Tổng số phí đã thu được trong năm 2023 từ các dịch vụ khai thác, tra cứu dữ liệu số là hơn 400.000.000 đồng. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.

3. Ban hành kế hoạch phát triển dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở, cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1492/QĐ-UBND ngày 17/7/2023), Danh mục dữ liệu mở (Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 11/5/2023), đến nay đã cung cấp gần 1000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia.

Đến cuối năm 2023, đã có 55 cơ quan đã ban hành Kế hoạch triển khai danh mục dữ liệu mở của các cơ quan, đơn vị, gồm: 15/25 sở, ban, ngành, 7/7 UBND các quận huyện, 33/56 UBND các xã, phường và có 73 cơ quan, đơn vị, gồm 12 sở, ban, ngành, 06 UBND các quận huyện và 52 UBND các phường xã và 03 cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố công khai dữ liệu trên Cổng dữ liệu thành phố Đà Nẵng.

[...]