Kế hoạch 8776/KH-UBND năm 2018 về triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0, giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 8776/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2018
Ngày có hiệu lực 05/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Trì
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8776/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC PHIÊN BẢN 1.0, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cQuyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 1.0;

Căn cứ Văn bản số 1665/VPCP-KSTT ngày 13/02/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin một cửa điện tử;

Căn cứ Văn bản số 1064/BTTTT-THH ngày 12/4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc đôn đốc xây dựng, tổ chức triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 1.0 (sau đây gọi tắt là Kiến trúc CQĐT tỉnh), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai xây dựng CQĐT tỉnh trên cơ sở tuân thủ những mục tiêu, định hướng, nguyên tắc, mô hình tại Kiến trúc CQĐT tỉnh.

b) Tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, phát huy vai trò trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; là căn cứ để các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kiến trúc CQĐT tỉnh.

c) Từng bước xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng; nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

d) Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) các sở, bộ, ngành nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết mau chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ Chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ;

đ) Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của CQNN tại tỉnh Vĩnh Phúc;

e) Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế của tỉnh;

g) Đề xuất danh mục các chương trình/nhiệm vụ cần triển khai để hoàn thành hệ thống CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2020 (gồm nền tảng CQĐT, các ứng dụng & CSDL, hạ tầng CNTT, đào tạo) và lộ trình triển khai các dự án này.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm phù hợp với cơ quan, địa phương mình nhằm tổ chức thực hiện bảo đảm các mục tiêu tại Kiến trúc CQĐT tỉnh.

II. ĐỊNH HƯỚNG, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CQĐT TỈNH

1. Định hướng kỹ thuật Kiến trúc CQĐT tỉnh

Khi xây dựng, phát triển CQĐT tỉnh phải tuân thủ các định hướng sau:

a) Tính tương tác, liên thông: cho phép việc trao đổi thông tin, tái sử dụng các mô hình dữ liệu, và thay thế lẫn nhau của dữ liệu trên hệ thống.

b) Tính tiêu chuẩn mở: Cung cấp sự tương tác, liên thông, duy trì dữ liệu, và tự do hơn trong việc lựa chọn công nghệ và nhà cung cấp. Việc sử dụng tiêu chuẩn mở sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu,

c) Tính linh hoạt: Tạo điều kiện áp dụng công nghệ mới và cho phép quản lý bất kỳ sự thay đổi trong quá trình phát triển và quản trị hệ thống,

d) Tính cộng tác/hợp tác: Cung cấp một nền tảng cho phép các sở/ban/ngành của tỉnh sử dụng và chia sẻ thông tin, dữ liệu chung.

đ) Tính công nghệ: Đảm bảo các công nghệ được ứng dụng là mở, và dễ dàng giao tiếp với các hệ thống khác của Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, Bộ và Quốc gia.

Kiến trúc CQĐT tỉnh bảo đảm sự liên tục và liền mạch của thông tin, cải thiện sự gắn kết của các hệ thống thông tin của tỉnh, và hỗ trợ dễ dàng tích hợp với các hệ thống ứng dụng của Chính phủ/Bộ, Tỉnh.

[...]