Kế hoạch 87/KH-UBND về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2018

Số hiệu 87/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2018
Ngày có hiệu lực 15/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2018

Nhằm chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

- Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

- Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. Đặc điểm tự nhiên

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, có diện tích tự nhiên là 8.320,76 km2, địa hình khá phức tạp, trên 40% diện tích là đồi núi có độ dốc lớn hơn 25%. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Lạng Sơn có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm chịu ảnh hưởng trung bình từ 3-5 cơn bão, lượng mưa trung bình năm phổ biến từ 1200 - 1600 mm. Mật độ lưới sông trung bình từ 0,6-1,2 km/km2, toàn tỉnh có 3 hệ thống sông chảy qua: sông Kỳ Cùng (hệ thống sông Tây Giang); sông Thương, sông Hoá, sông Trung và sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình), sông Phố Cũ, sông Đồng Quy (thuộc hệ thống sông ngắn Quảng Ninh).

Khi có lũ trên địa bàn một số xã, huyện bị chia cắt, xuất phát từ đặc điểm điều kiện của địa phương, UBND tỉnh Lạng Sơn xác định tình hình thiên tai năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ có diễn biến bất thường, khó lường đặc biệt trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết càng trở nên cực đoan, tình hình thiên tai năm 2018 vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bất thường. Thiên tai trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra nhiều hơn, mạnh hơn, thất thường hơn.

II. Đánh giá rủi ro thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp

a) Một số loại hình thiên tai có khả năng ảnh hưởng trên địa bàn như: hoàn lưu sau bão, ATNĐ; mưa lớn, hạn hán, rét hại, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...khả năng xảy ra thiên tai có trên cả 4 mùa trong năm với cường độ khác nhau. Lũ quét, gió lốc, sạt lở đất, đá là các dạng thiên tai xảy ra bất thường, bất ngờ khó dự báo. Các loại thiên tai này có khả năng xảy ra từ cấp rủi ro cấp 1 đến cấp 3, có xu hướng gia tăng cả về số lần xảy ra và cường độ, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại đặc biệt là tính chất bất thường của thiên tai.

b) Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội: Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn biến thời tiết phức tạp, cực đoan, bất thường, xảy ra các dạng thiên tai khó lường:

- Rét hại, nắng nóng, hạn hán xảy ra với cường độ mạnh, phạm vi rộng, dài ngày; đặc biệt xảy ra rét hại kèm theo sương muối và băng giá; xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Mùa mưa cá biệt xảy ra những cơn mưa lớn cực đoan cục bộ, những đợt mưa lớn dài ngày, gió lốc mạnh trên diện rộng kèm theo sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

- Mùa lũ xảy ra lũ lớn trên các sông suối, ngập lụt, lũ quét cục bộ trên các lưu vực tần suất gia tăng, xảy ra bất thường, khó lường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

- Sạt lở đất, đá xảy ra thường xuyên, bất ngờ khó dự báo, xu thế gia tăng nhiều điểm gây thiệt hại nghiêm trọng trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh… gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, cộng đồng phải di chuyển đến nơi ở mới.

III. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Tiếp tục kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN ở mỗi cấp, mỗi ngành. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành.

2. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền: Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ Quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều

3. Triển khai mở các lớp tập huấn về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2018 tại các huyện, thành phố cho các xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhằm nâng cao năng lực trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả...

4. Trên cơ sở dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan chủ động xây dựng phương án và các biện pháp, bơm tưới chống hạn, tiêu úng bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng chống thiên tai; phương án phòng tránh lũ quét...

5. Tăng cường nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết và thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai của các cấp từ tỉnh đến huyện, đến xã, thôn, bản để chủ động phòng tránh có hiệu quả và để có thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp.

6. Đôn đốc các huyện, thành phố thu Quỹ phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi, sử dụng, quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.

[...]