Kế hoạch 86/KH-UBND về truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015

Số hiệu 86/KH-UBND
Ngày ban hành 28/05/2013
Ngày có hiệu lực 28/05/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Hồng Khanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/KH-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG

QUẢN LÝ Ô NHIỄM CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2015

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chương trình số 07-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 – 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2015 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 22/5/2012 về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp của Thành phố đến năm 2015 thông qua các hoạt động truyền thông.

- Hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực về quản lý ô nhiễm công nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có lien quan để triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

- Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào công tác kiểm soát ô nhiễm công nghiệp hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

- Hình thành mạng lưới cán bộ truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp giữa các cấp, ngành, tăng cường sự phối hợp về truyền thông giữa các tổ chức trong nước và các chương trình hợp tác quốc tế.

2. Yêu cầu:

- Công tác truyền thông phải được thực hiện thường xuyên, đa dạng về loại hình và sử dụng nhiều kênh truyền thông.

- Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về quản lý ô nhiễm công nghiệp tập trung trọng tâm vào các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện chất lượng môi trường, cập nhật các ứng dụng về khoa học và công nghệ, cung cấp thông tin đầy đủ về các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường.

- Xây dựng các tài liệu truyền thông đa dạng, thông tin dễ tiếp cận đáp ứng được nhu cầu của đối tượng được truyền thông cũng như việc triển khai thực hiện của các cán bộ truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp của các ngành, các cấp và các cơ quan có lien quan trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường kiến thức và kỹ năng truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp trong và sau khi triển khai Kế hoạch truyền thông đối với cán bộ các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể của Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các nhiệm vụ truyền thông chính:

1.1. Tuyên truyền thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

- Thực hiện tuyên truyền về chính sách, pháp luật, các quy định hiện hành về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn Thành phố;

- Biên tập tài liệu hướng dẫn, kết hợp với các khóa đào tạo ngắn hạn cho các phóng viên báo chí đã được đào tạo và am hiểu về lĩnh vực môi trường để duy trì mạng lưới cộng tác viên viết bài về vấn đề quản lý ô nhiễm công nghiệp.

- Tư vấn kỹ thuật cho các nhà sản xuất các sản phẩm truyền thông truyền tải được nội dung các giải pháp kỹ thuật, phương án lựa chọn kinh tế và thân thiện với môi trường:

- Tổ chức các cuộc thi cấp Thành phố đối với các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn về thực hiện các biện pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp.

- Tổ chức hàng năm các cuộc thi “Sáng kiến truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp” và hỗ trợ triển khai thực hiện các sáng kiến được lựa chọn;

- Tổ chức thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cho lãnh đạo tại các địa phương trong nước hay quốc tế có mô hình thành công liên quan đến nội dung quản lý ô nhiễm công nghiệp. Các chuyến thăm quan yêu cầu phải gắn kết với các nội dung cụ thể sẽ thực hiện tại địa phương.

1.2. Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp của thành phố Hà Nội

- Đào tạo có lựa chọn các “cán bộ nòng cốt” trong các nhóm, mạng lưới truyền thông môi trường có năng lực để tham gia vào công tác truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn Thành phố;

- Hỗ trợ các mạng lưới, các hiệp hội có liên quan nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, nâng cao kỹ năng truyền thông thông qua các sản phẩm truyền thông;

- Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến truyền thông phù hợp do các nhóm khởi xướng và đề xuất;

- Tăng cường các chương trình phối hợp giữa các Sở, ban, nghành, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể trong lĩnh vực quản lý ô nhiễm công nghiệp của thành phố Hà Nội.

[...]