ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8557/KH-UBND
|
Bến Tre, ngày 24
tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC
SỨC KHỎE NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM, NGƯỜI KHUYẾT TẬT
VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CẦN TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN
TRE
Căn cứ Quyết định số
1942/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương
trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng,
người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội
giai đoạn 2021 - 2030.
Thực hiện Công văn số
4556/LĐTBXH-BTXH ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội về việc triển khai Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối
tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre
xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức
khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và
các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bến
Tre, cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG
TÌNH HÌNH
Tỉnh Bến Tre có trên 140 ngàn
người có công với cách mạng có hồ sơ quản lý, có trên 25 ngàn người có công
đang hưởng trợ cấp hàng tháng; việc giải quyết chế độ ưu đãi, chi trả trợ cấp
được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đã phong tặng, truy tặng cho
6.910 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay có 265 mẹ còn sống và được các cơ quan,
đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng).
Công tác chăm lo các đối tượng
bảo trợ xã hội thời gian qua được triển khai thực hiện tốt, hàng năm có trên 55
ngàn trường hợp được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (có 3.959 trường hợp sống
trong gia đình hộ nghèo và cận nghèo), kịp thời thực hiện các chính sách dành
cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 23.812 người
khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trong đó 4.288
người khuyết tật đặc biệt nặng, 19.091 người khuyết tật nặng; chăm sóc người
khuyết tật tại cơ sở trợ giúp xã hội (chăm sóc tập trung tại Trung tâm Bảo trợ
người tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội: 309 người; chăm sóc bán trú tại Trường
Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Trường bán trú Phú Đức: 80 trẻ khuyết tật).
Triển khai thực hiện tốt công
tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi. Hiện
tỉnh có 176.367 người cao tuổi, trong đó có 98 người tròn 100 tuổi và 1.369 người
tròn 90 tuổi. Hàng năm, thực hiện chúc thọ cho 15.457 cụ từ 70 tuổi trở lên.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 231.340
trẻ em, trong đó 1.476 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác bảo vệ, chăm sóc
trẻ em được quan tâm thực hiện; triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày
05/12/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và các chương trình, đề
án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn
nghèo; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; tổ chức Tháng
hành động vì trẻ em và Diễn đàn trẻ em các cấp; chủ động thực hiện các giải
pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, tạo môi trường
sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ
chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người có công;
người khuyết tật, trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cung cấp
dịch vụ của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội nhằm đảm bảo cho các
đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp theo
hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép các hoạt động tăng cường sức
khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng kết hợp với các hoạt động
trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng, góp phần đảm bảo
an sinh xã hội, giải quyết việc làm và phát triển bền vững của tỉnh đảm bảo mục
tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021 - 2025
Tối thiểu 70% Trung tâm điều dưỡng
người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều
kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng.
Tối thiểu 10% cơ sở điều dưỡng
người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện được ít
nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã.
Phấn đấu 50% đối tượng của các
cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được quản lý, theo dõi sức khỏe điện
tử.
Từng bước đầu tư, nâng cấp các
cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Giai đoạn 2026 - 2030
100% Trung tâm điều dưỡng người
có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều kiện
chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng.
Tối thiểu 30% Trung tâm điều dưỡng
người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện được ít
nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã.
Phấn đấu 80% đối tượng của các
cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được quản lý, theo dõi sức khỏe điện
tử.
Đầu tư, nâng cấp các cơ sở chăm
sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động
- Thương binh và Xã hội đủ điều kiện chăm sóc và quản lý đối tượng.
III. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng
Đối tượng thực hiện: Trung tâm
điều dưỡng người có công; Cơ sở trợ giúp xã hội; Cơ sở Cai nghiện ma túy (sau
đây gọi tắt là cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội).
Đối tượng thụ hưởng: Người có
công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi và các đối tượng cần trợ
giúp xã hội.
2. Phạm vi: Kế hoạch được
thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh.
3. Thời gian thực hiện Kế hoạch
Từ 2021 đến năm 2030, chia
thành 02 giai đoạn
- Giai đoạn từ năm 2021 - 2025.
- Giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
IV. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Củng cố, hoàn thiện các
cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
Củng cố, hoàn thiện các cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội đảm bảo hài hòa với quy hoạch tổng thể của
mạng lưới cơ sở y tế.
Thực hiện phân loại các cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo phân hạng bệnh viện, tiêu chí y tế tuyến
xã để có cơ chế hoạt động, đầu tư, nâng cấp, bố trí trang thiết bị phù hợp.
Tổ chức thực hiện tốt mô hình y
tế tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy nhằm phát hiện sớm bệnh tật,
quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng cho đối
tượng.
Rà soát, sắp xếp, bố trí đủ số
lượng y sỹ, bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng làm việc tại cơ sở chăm
sóc sức khỏe lao động - xã hội theo vị trí việc làm, khối lượng công việc phù hợp
với nhu cầu của cơ sở và điều kiện thực tế của tỉnh; cơ sở, bảo đảm theo dõi,
thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng
cho đối tượng.
2. Đổi mới, hoàn thiện chức
năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội
Xây dựng và thực hiện cơ chế phối
hợp hoạt động giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội với các cơ sở
y tế của ngành Y tế trên địa bàn.
Thực hiện số hóa hoạt động của
cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe
cho đối tượng; đồng bộ và kết nối thông tin giữa cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động
- xã hội với y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương của ngành Y tế để
theo dõi, quản lý sức khỏe cho đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong
đào tạo, tập huấn và khám chữa bệnh từ xa; xây dựng và triển khai thực hiện bệnh
án điện tử; xây dựng phần mềm, ứng dụng trên điện thoại để giao tiếp, kết nối đối
tượng với các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội nhằm chia sẻ thông tin,
cảnh báo sức khỏe, hỗ trợ thăm khám, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh
không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần cho các đối tượng.
Tham gia các hoạt động truyền
thông nâng cao nhận thức, vận động đối tượng xã hội, người cận nghèo và các đối
tượng khác thuộc quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia bảo
hiểm y tế.
3. Nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
Phối hợp với các tổ chức, cơ sở
đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế, phục hồi chức
năng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, điều dưỡng và phục hồi chức năng; huấn
luyện kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng tại gia đình.
Tạo điều kiện cho đội ngũ y bác
sĩ tại cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được tham gia các lớp đào tạo
nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng điều trị, phục hồi chức năng cho các đối
tượng.
4. Đổi mới cơ chế cung cấp dịch
vụ, cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động -
xã hội
Vận động nguồn lực hỗ trợ khám,
chữa bệnh đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần,
trẻ em, người nghèo, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người có thu
nhập thấp ,…
Vận động nguồn lực hỗ trợ các đối
tượng, bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng tại các cơ
sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
5. Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo
cơ sở vật chất c ủa các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội
Căn cứ cụ thể vào tình hành
ngân sách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngân sách Trung ương và ngân
sách địa phương ưu tiên hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các cơ sở trực thuộc ngành Lao
động - Thương binh và Xã hội như Trung tâm điều dưỡng người có công, Trung tâm
Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ người tâm thần, Cơ sở Cai nghiện ma túy nhằm
đảm bảo cơ sở vật chất để chăm sóc khỏe lao động - xã hội theo quy định.
6. Truyền thông nâng cao nhận
thức về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng
Truyền thông, nâng cao nhận thức
của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của công tác chăm
sóc sức khỏe ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; kỹ năng chăm sóc, điều dưỡng
và phục hồi chức năng đối với thương, bệnh binh, người khuyết tật, người cao tuổi,
trẻ em và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
Phổ biến pháp luật về lĩnh vực
chăm sóc sức khỏe ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho cán bộ, nhân viên
thuộc cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Do ngân sách nhà nước đảm bảo
theo khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố
trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của
các cơ quan, đơn vị; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự
án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nguồn vận động đóng góp, hỗ trợ
hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển
khai hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tổ chức triển khai thực hiện, có trách nhiệm phối hợp với sở, ban
ngành có liên quan xây dựng triển khai kế hoạch này.
Phối hợp với các đơn vị, địa
phương truyền thông nâng cao nhận thức; phối hợp với các ngành có liên quan tổ
chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế tại cơ
sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
Tổ chức thực hiện đầu tư nâng cấp,
cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao
động - xã hội trên địa bàn.
Phối hợp với các sở, ban ngành
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất (khi
có yêu cầu) để gửi các bộ, ngành Trung ương.
2. Sở Y tế
Hỗ trợ công tác tập huấn cho
cán bộ, nhân viên y tế của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội trên địa
bàn và hướng dẫn thực hiện các quy định về Giấy phép hoạt động, Danh mục kỹ thuật
khám bệnh, chữa bệnh, Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo các văn bản quy định hiện hành của Bộ
Y tế.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy
định về chuyển tuyến, thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm các cho
các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được nằm trong tuyến khám, chữa bệnh
bảo hiểm y tế để các đối tượng là người có công, người cao tuổi, trẻ em, người
khuyết tật và các đối tượng cần sự chăm sóc đặc thù khác được hưởng đầy đủ các
chế độ về bảo hiểm y tế.
Phối hợp với các cơ sở khám, chỉnh
hình và phục hồi chức năng trong và ngoài tỉnh đến khám, điều trị, phục hồi chức
năng cho các đối tượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch
vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm cho các dự
án đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho cơ sở
chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định.
4. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân
sách địa phương và nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu, tham mưu trình Ủy ban
nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch.
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng,
thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, và các huyện, thành phố đẩy mạnh việc tuyên
truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế bằng nhiều hình thức nhằm mở
rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đối tượng yếu thế tham gia bảo hiểm y tế.
6. Các sở, ngành có liên
quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển
khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận: Tham gia vận động
các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các nội dung kế hoạch; thường xuyên
giám sát, phản biện xã hội tình hình hoạt động của các đơn vị, địa phương đảm bảo
thực hiện tốt Kế hoạch.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Xây dựng kế hoạch và tổ chức
triển khai thực hiện trên địa bàn; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người
dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với
cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ
giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung, yêu cầu./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐTXH (theo dõi);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (thay báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh (p/hợp thực hiện);
- Các sở, ban, ngành tỉnh (thực hiện);
- BHXH tỉnh;
- Chánh, PCVPUBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố (thực hiện);
- Báo ĐK, Đài PTTH tỉnh;
- Phòng: KGVX, TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, Ph.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Bé Mười
|