Kế hoạch 8440/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP, Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 8440/KH-UBND
Ngày ban hành 26/10/2017
Ngày có hiệu lực 26/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8440/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 26 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 71/NQ-CP NGÀY 08/8/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TW NGÀY 12/01/2017 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính Phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. xét đề nghị tại Tờ trình số 234/TTr-SNN&PTNT ngày 10/10/2017; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 71/NQ-TW của Chính Phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và toàn dân trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển lâm nghiệp bền vững.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố các cơ quan, đơn vị có liên quan để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

- Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho công chức kiểm lâm, cán bộ, công chức xã.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm không để xảy ra những thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, lực lượng Kiểm lâm, lực lượng tuần tra rừng; rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm, chốt bảo vệ rừng.

- Xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng, chủ rừng; tăng cường phòng, chống cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các dự án đã được phê duyệt.

3. Tăng cường kiểm soát các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến rừng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng

- Hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng trên địa bàn toàn tỉnh; hoàn thành việc phân định, cắm mốc ranh giới quản lý rừng trên thực địa đối với các loại rừng, chủ quản lý rừng; cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích.

- Rà soát, triển khai các đề án, dự án, phương án, kế hoạch giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn với giao rừng, cho thuê rừng đối với những diện tích đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi giữa 3 loại rừng, tránh để lợi dụng khai thác lâm sản trái phép; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác (trừ dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án đặc biệt, cấp thiết theo quy định).

- Triển khai thực hiện có hiệu lực việc khoán bảo vệ rừng; kiểm tra hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, tình hình sử dụng rừng đối với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, quản lý các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý.

4. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm bảo đảm thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cấp chính quyền và người đứng đầu, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lực lượng kiểm lâm phải thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý, bảo vệ rừng; chịu trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

[...]