Kế hoạch 838/KH-UBND năm 2018 về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019-2020 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 838/KH-UBND
Ngày ban hành 28/12/2018
Ngày có hiệu lực 28/12/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 838/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BNTMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Căn cứ Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 của UBND tỉnh An Giang về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 277/TTr-SNN&PTNT ngày 07/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2020, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sự tồn tại và phát triển của các làng nghề là khách quan, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của đời sống và sản xuất. Thực tế về phát triển các làng nghề ngày càng cho thấy những lợi thế, tiềm năng, vai trò và ý nghĩa tích cực của nó, bởi lẽ các làng nghề là nơi lưu trữ và thể hiện những nét riêng biệt của một nền văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, giảm bớt tình trạng nghèo đói cho người dân địa phương; làng nghề tạo ra sự phát triển hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ môi trường; làng nghề là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự tìm hiểu và khám phá của du khách trong và ngoài nước; và ở mức độ rộng hơn, làng nghề góp phần khẳng định vị thế của một quốc gia trong xu thế hội nhập toàn cầu, mà không mất đi bản sắc “Hoà nhập nhưng không hoà tan”.

Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã khẳng định vị thế và vai trò của nó trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, là một trong những mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể cho thấy sự phát triển các làng nghề của tỉnh An Giang vẫn chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của nó. Thể hiện rõ nhất là sự mai một và thậm chí biến mất của một số ngành nghề mà đã được cha ông gìn giữ từ hàng nghìn đời nay. Song song với đó là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và lạc hậu trong hoạt động sản xuất; hậu quả là chất lượng của sản phẩm truyền thống chưa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, chưa hấp dẫn khách du lịch, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường kém, tính ổn định của sản phẩm chưa cao và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Điều này đã cho thấy việc bảo tồn và phát triển các làng nghề nhằm giữ gìn các giá trị văn hoá - khẳng định vị thế của địa phương, tạo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

II. THỰC TRẠNG LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH AN GIANG

1. Đặc điểm tình hình:

Trên địa bàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề đã được công nhận (nhóm làng nghề sản xuất lương thực - thực phẩm: có 04 làng nghề; nhóm làng nghề tái chế phế liệu và gia công kim loại: có 04 làng nghề; nhóm làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc gia dụng và đan đát: có 10 làng nghề; nhóm làng nghề dệt nhuộm, se tơ: có 03 làng nghề; nhóm làng nghề sản xuất khác: có 08 làng nghề), với 5.954 hộ, giải quyết việc làm cho trên 17.241 lao động. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chủ yếu là trong nước; một số ít được xuất khẩu ra nước ngoài như: thêu rua sang các nước Châu Âu, đường thốt nốt có mặt ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu... Hiện nay, một số cơ sở có quy mô tương đối đã và đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, tích cực quảng bá sản phẩm như đường thốt nốt, rèn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…Hàng năm, giá trị sản xuất bình quân ước đạt khoảng 320 tỷ đồng/năm; xuất khẩu bình quân đạt gần 02 triệu USD/năm, trong đó xuất khẩu ủy thác chiếm khoảng 85%, xuất khẩu trực tiếp khoảng 15%.

Cơ sở vật chất của các hộ trong làng nghề còn rất nhiều khó khăn và điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các làng nghề là thiếu vốn để đầu tư máy móc thiết bị, nguyên liệu để duy trì và mở rộng sản xuất.

2. Khó khăn, tồn tại:

- Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, một số ngành nghề truyền thống của tỉnh có chiều hướng bị mai một, cần được quan tâm hỗ trợ như: đan đát (Chợ Mới), rập chuột (Châu Thành), đan võng (Châu Phú), sản xuất lò đất (Tri Tôn),...

- Quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế do không có tài sản thế chấp.

- Trình độ quản lý của cơ sở sản xuất còn hạn chế, quen kiểu làm ăn nhỏ lẻ nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã) còn chậm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chưa quen với tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ.

- Sản phẩm của các làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa.

- Các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thiết bị mới; chưa đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nên khả năng cạnh tranh kém, năng suất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định.

- Môi trường bị ô nhiễm ngày càng tăng từ những hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, vốn đầu tư và chưa quan tâm nhiều đến biện pháp xử lý môi trường nên đa số cơ sở trong quá trình sản xuất đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Do ngành nghề nông thôn tập trung thường nằm đan xen trong các khu, tuyến dân cư nên việc phát triển sản xuất và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.

3. Nguyên nhân:

- Các chính sách và giải pháp để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ở nông thôn còn hạn chế.

- Các cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn có quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, công nghệ còn lạc hậu nên khó tạo nên hạt nhân có sức lan tỏa mạnh đến các vùng khác. Mặt khác, chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề ở nông thôn, hợp tác sản xuất vệ tinh giữa các doanh nghiệp nông thôn và doanh nghiệp ở thành thị còn mờ nhạt, chưa phát huy được lợi thế so sánh của nhau trong việc tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu.

- Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn sinh viên tốt nghiệp không quay trở lại phục vụ quê hương mà tìm cách kiếm việc làm ở thành thị và các thành phố lớn. Sự phân bố không đồng đều nguồn nhân lực qua đào tạo cho thấy nguồn nhân lực ở nông thôn không hấp dẫn cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn. Lao động CN -TTCN chưa được đào tạo chiếm tỉ lệ rất cao; chủ cơ sở, doanh nghiệp đã học qua trường lớp về quản trị kinh doanh hoặc quản lý kinh tế - tài chính chưa đến 1%, nên quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và dẫn đến mức độ rủi ro cao.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

1. Mục tiêu:

Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh, trong đó chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ