Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản tại Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 17/04/2018
Ngày có hiệu lực 17/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 11
Người ký Trần Phi Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Quận 11, ngày 17 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI VÀ DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN TẠI QUẬN 11 GIAI ĐOẠN 2018-2020

- Căn cứ kế hoạch số 7309/KH-UBND ngày 27/11/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020.

- Căn cứ kế hoạch số 17/KH-CCDS ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai tránh thai năm 2018.

Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản tại quận 11, giai đoạn 2018-2020 như sau:

I. TÌNH HÌNH CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI, DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN:

1. Hoạt động cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS):

1.1. Cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT):

- Cung cấp phương tiện tránh thai không thu tiền (miễn phí): Vòng tránh thai được thực hiện cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu sử dụng. Thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống và bao cao su tránh thai được cấp phát miễn phí cho người dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trong 5 năm (2011 - 2015) có 9812 người đặt vòng, 67 người cấy, 2190 người tiêm, 9206 người sử dụng bao cao su và 6385 người sử dụng thuốc uống tránh thai.

- Phương tiện tránh thai được Nhà nước trợ giá: Kênh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai được triển khai từ năm 2012 thực hiện chủ yếu thông qua đội ngũ công tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, phòng khám đa khoa và phòng khám chuyên khoa sản nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các phương tiện tránh thai được nhà nước trợ giá. Trong 5 năm, Phòng Y tế đã phân phối 32.000 vỉ thuốc uống tránh thai và 16.000 chiếc bao cao su.

1.2. Hoạt động cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản:

- Trên địa bàn quận, có 01 bệnh viện; 09 Phòng khám đa khoa; 320 cơ sở y tế tư nhân và 140 nhà thuốc đã cung cấp đa dạng, nhiều loại phương tiện tránh thai đến với các hộ gia đình.

- Hàng năm, Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế, Bệnh viện Quận cử cán bộ tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cơ bản về kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản nhằm kịp thời truyền thông, cung cấp dịch vụ phương tiện tránh thai kịp thời, an toàn đến người dân.

- Tại Trạm Y tế 16 phường, nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi được đào tạo và có kỹ năng cơ bản về kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản, có khả năng thực hiện kỹ thuật đặt/tháo vòng, tiêm thuốc tranh thai.

2. Đánh giá chung:

- Hoạt động xã hội hóa các phương tiện tránh thai bước đầu được sự quan tâm của các cấp và cộng đồng dân cư. Qua các đợt truyền thông, giới thiệu sản phẩm, người dân được tiếp cận với các phương tiện tránh thai xã hội hóa, từng bước chuyển đổi nhận thức thông qua việc tham gia chi trả khi áp dụng thực hiện các biện pháp tránh thai

- Trong quá trình triển khai xã hội hóa các phương tiện tránh thai, còn nhiều hộ gia đình và người dân còn nhận thức chưa cao về việc xã hội hóa, còn tâm lý trông chờ vào sự cấp phát miễn phí phương tiện tránh thai của các cơ quan nhà nước.

II. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

- Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân.

- Huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho chương trình DS-KHHGĐ.

- Đa dạng hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả, cụ thể như dụng cụ tử cung, thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc cấy và bao cao su.

- Tăng cường tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản của người dân: Phấn đấu trên 95% cơ sở Y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản và Trạm Y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

III. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG:

1. Đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa KHHGĐ/SKSS, các PTTT hiện đại có tác dụng và hiệu quả:

- Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân.

- Nâng cao năng lực cho các cơ sở Y tế công lập thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn.

- Khuyến khích và huy động các cơ sở Y tế ngoài công lập thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

- Hàng năm, ngoài số PTTT được Thành phố cấp miễn phí, số lượng còn lại thông qua nguồn cung cấp các loại PTTT từ Ban quản lý Đề án 818 Trung ương và hình thức tiếp thị xã hội có trợ giá của nhà nước (do Tng cục DS-KHHGĐ/BYT phân phối) để đảm bảo việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các loại PTTT theo nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn quận.

[...]