Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2011 về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 78/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2011
Ngày có hiệu lực 24/10/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Nguyễn Ngọc Ân
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015

Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (viết tắt là CN-TTCN) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV và nhiệm vụ quy định tại Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh số 01/CTr- UBND ngày 10/3/2011. Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra Kế hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2011-2015 với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Tạo sự thống nhất ở các cấp, các ngành trong việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa các nội dung về phát triển CN-TTCN của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011-2015).

Phát triển công nghiệp phải bảo đảm sự ổn định về mọi mặt, tăng trưởng với tốc độ cao nhằm tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế tỉnh và thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Tạo đà để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tập trung đầu tư xây dựng cảng biển, cụm công nghiệp và làng nghề, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên. Chú trọng phát triển công nghiệp lọc - hóa dầu, đóng mới và sửa chữa tàu biển, chế biến thủy sản gắn với liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển của các tỉnh duyên hải miền Trung.

Giải quyết được nhiều việc làm, đảm bảo đời sống của người lao động ngày một tăng lên; tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; đảm bảo cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN có tích lũy để tái đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và mở rộng sản xuất.

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo tính bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 16-17%/năm; trong đó giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 15,47%/năm. Đến năm 2015 tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm 40 - 41,5% trong cơ cấu GDP của tỉnh; trong đó GDP công nghiệp chiếm trên 31%.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,25%/năm.

Tạo việc làm mới cho 23.000 - 25.000 lao động.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đến năm 2015 đạt 350 triệu USD bằng 100% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

II. Kế hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2011-2015

1. Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá

1.1. Công nghiệp thực phẩm

a) Về phát triển công nghiệp mía đường và các sản phẩm sau đường:

Ổn định vùng nguyên liệu mía tập trung theo quy hoạch, tăng diện tích mía có tưới trên cơ sở đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, áp dụng giống mới với năng suất, chữ đường cao, có khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh để phát huy tốt năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến mía đường hiện có; Đồng thời chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm đường tinh luyện trong tổng sản lượng đường kết tinh của tỉnh. Từng bước đầu tư nâng công suất các Nhà máy đường Tuy Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực sản xuất của 02 công ty đường hiện có trên địa bàn tỉnh đạt 11.500 tấn mía/ngày.

Đầu tư chiều sâu và mở rộng nhà máy sản xuất cồn công suất 6 triệu lít/năm gắn với Nhà máy đường Tuy Hòa; nhà máy sản xuất cồn, rượu của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát công suất 5 triệu lít/năm nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Phấn đấu trong giai đoạn từ 2011-2015 phát huy tốt năng lực sản xuất đã đầu tư và nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm có sử dụng cồn.

Đầu tư mới các nhà máy sản xuất phân bón công suất 11.500 tấn/năm gắn với các Nhà máy đường Sơn Hòa, Đồng Xuân, đầu tư chiều sâu và mở rộng các nhà máy sản xuất phân bón hiện có nhằm tạo được nguồn phân bón có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu phát triển của các loại cây trồng ở các tỉnh trong vùng. Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực sản xuất phân bón của tỉnh đạt trên 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Thu hút vốn đầu tư vào một số lĩnh vực như: sản xuất các sản phẩm từ đường, sản xuất điện, phân vi sinh, xăng dầu sinh học từ bã mía, bã bùn, mật rỉ... gắn với các nhà máy đường, tinh bột sắn theo quy mô phù hợp, thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm với chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản và thịt:

- Về chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu: Được xác định là một trong số các sản phẩm chủ lực thuộc chương trình phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ biển. Do vậy, trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục khuyến khích phát triển đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy đặc sản gắn với chế biến và bảo vệ môi trường bền vững; Củng cố và tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu hiện có phát huy hết năng lực sản xuất đã đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực xây dựng thương hiệu hàng hóa, xây dựng và mở rộng thị trường nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu đầu tư các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nguồn phụ phẩm của đông lạnh để đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tích cực kêu gọi và khuyến khích đầu tư mới một số nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu nhằm khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của vùng Đông Bắc tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015 tổng công suất của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu của tỉnh đạt 12.000 tấn sản phẩm/năm.

- Về chế biến thủy sản đóng hộp: Tập trung củng cố và từng bước đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản đóng hộp. Tạo điều kiện cho sản phẩm của cơ sở tiếp cận và đứng vững được ở thị trường trong nước và từng bước phát triển ra thị trường nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 4.000-5.000 tấn sản phẩm/năm.

[...]