Kế hoạch 76/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 26/03/2024
Ngày có hiệu lực 26/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 793/LĐTBXH-TE ngày 29/02/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn công tác trẻ em năm 2024 và xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 31/TTr-SLTBXH ngày 20/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 (gọi tắt là Kế hoạch), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Triển khai kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tạo sự quan tâm, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng đối với công tác trẻ em.

2. Yêu cầu

a) Cụ thể hóa các nội dung, đề ra các giải pháp thực hiện về công tác trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đơn vị đảm bảo việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả.

b) Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công tác trẻ em; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tăng cường sự chỉ đạo, triển khai, phối hợp thực hiện

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

b) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em; chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn, thương tích.

c) Phân bổ, lồng ghép hiệu quả ngân sách địa phương, bố trí hợp lý nhân lực các cấp theo thẩm quyền để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp mô hình của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

d) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Mở rộng, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

đ) Rà soát, đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông; hỗ trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em.

e) Triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi, bảo đảm trẻ em được hưởng các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

g) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng và Đề án chăm sóc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng, chú trọng hoàn thiện mạng lưới kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

2. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

a) Đẩy mạnh truyền thông về các vấn đề về trẻ em và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

b) Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em và các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, chú trọng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong mùa hè.

c) Truyền thông, tư vấn đến cộng đồng dân cư, gia đình, trường, lớp học về kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em; giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống để phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các mô hình bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng, văn hóa vùng miền, từng địa bàn dân cư, đặc biệt nhân các ngày về trẻ em như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày gia đình Việt Nam...

d) Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tham gia vào thực hiện công tác trẻ em, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội các cấp để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

đ) Truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương, đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy để người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu được hỗ trợ.

e) Thực hiện các phóng sự, video clip, phát thanh, bản tin, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương...; treo băng rôn, phướn, khẩu hiệu, pano; tổ chức các cuộc thi, hội thi, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt cộng đồng để truyền thông thông điệp, chủ trương, chính sách về công tác trẻ em...; thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sân khấu hóa...; sản xuất, nhân bản phát hành các sản phẩm truyền thông (sổ tay, tài liệu, tờ rơi, sách mỏng, ...) cấp phát cho trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư, cộng tác viên, người làm công tác trẻ em các cấp.

g) Biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm và lên án các hành vi, vụ việc ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột, vi phạm quyền trẻ em.

3. Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em

a) Tiếp tục duy trì, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em các cấp giai đoạn 2021-2030; xây dựng, điều chỉnh Quy chế hoạt động đảm bảo hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chú trọng nội dung công tác phối hợp, tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tổ chức và tham dự của Ban Chỉ đạo theo quy chế; định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền về công tác bảo vệ trẻ em theo quy định.

b) Bố trí nhân lực, duy trì, củng cố đội ngũ cộng tác viên trẻ em nhằm bảo đảm hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; làm tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đến Tổng đài 111 và các cơ quan có thẩm quyền. Triển khai, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ