Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Dương Tấn Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 623/NQ-UBTVQH15 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Thực hiện Kế hoạch số 633/KH-TTCP ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị của Đoàn Giám sát tại Báo cáo số 334/BC-ĐGS1, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15), như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15. Đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật.

2. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ; phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Định hướng, đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đổi mới hình thức, nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả.

4. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông tin và dự báo kịp thời tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân; triển khai hiệu quả mô hình luật sư, luật gia tư vấn miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân của địa phương.

5. Phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

II. NỘI DUNG

1. Rà soát các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, qua đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định pháp luật không còn phù hợp nhằm thống nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tránh mâu thuẫn, chồng chéo; nhất là quy định về công tác tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban Tiếp công dân cấp huyện đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

2. Nghiên cứu, đóng góp ý kiến, bổ sung, xây dựng hoàn thiện quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Rà soát và có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thường xuyên tụ tập khiếu kiện tại Trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vụ việc khiếu kiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo gây mất trật tự công cộng, an ninh, an toàn xã hội.

4. Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; định kỳ báo cáo, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; phân loại, nhập liệu kết quả rà soát vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kịp thời, đúng quy định.

5. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình Trợ giúp pháp lý và Luật sư tư vấn miễn phí.

6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính trong thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực được dư luận và nhân dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo.

7. Tập huấn sử dụng nhằm duy trì hoạt động thông suốt hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia (kể cả cấp cơ sở) đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, khai thác, sử dụng dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên phạm vi toàn quốc; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

8. Thực hiện các quy định của Đảng, của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Tổ chức rà soát đánh giá lại các văn bản pháp luật quy định về quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, địa phương mình để đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn;

b) Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, chủ động lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình trong tổ chức hoạt động tiếp công dân. Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức làm công tác tiếp dân (nhất là ở cấp cơ sở), phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của công dân;

c) Tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu bảo đảm đầy đủ số ngày theo luật định; có giải pháp bố trí lịch họp, lịch công tác hợp lý để tránh trùng lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, linh hoạt trong phương thức tổ chức tiếp công dân định kỳ nhằm phát huy tối đa hiệu quả tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, nhất là lĩnh vực đất đai (đặc biệt trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tài nguyên, môi trường, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và Nhân dân quan tâm nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo... Phải công khai, minh bạch trong việc thực hiện dự án, chế độ chính sách liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

đ) Định hướng rõ, đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đảm bảo thực hiện nghiêm chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nhất là cấp cơ sở); đổi mới hình thức nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả;

e) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thi hành kết luận giải quyết tố cáo và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ có vi phạm được phát hiện qua công tác giải quyết tố cáo;

g) Chủ động thông tin về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan dân cử, Đại biểu dân cử và trả lời đầy đủ, kịp thời về tiến độ, kết quả giải quyết đối với các vụ việc do Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển đến theo quy định;

h) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ vào Kế hoạch này và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

[...]