Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị tại Báo cáo 334/BC-ĐGS do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 71/KH-UBND
Ngày ban hành 10/04/2023
Ngày có hiệu lực 10/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Bình Định, ngày 10 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 623/NQ-UBTVQH15 VÀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT TẠI BÁO CÁO SỐ 334/BC-ĐGS

Thực hiện Văn bản số 7319/VPCP-V.I ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 633/KH-TTCP ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 334/BC- ĐGS ngày 07 tháng 10 năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo số 334/BC-ĐGS ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài, công dân tập trung tại các cơ quan Trung ương trước, trong và sau thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương khóa XIII, Quốc hội khóa XV và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước.

- Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ; phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tiếp công dân định kỳ đầy đủ theo quy định kể từ năm 2023.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đổi mới hình thức, nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân năm 2013, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ Chính trị và Quy chế số 08-QC/TU ngày 29 tháng 8 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân; tổ chức tốt việc tiếp dân đột xuất, đối thoại với công dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, đông người khi mới phát sinh.

- Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ; lập danh sách, xây dựng Kế hoạch và tổ chức rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền có tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; công khai cho Nhân dân địa phương biết về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.

- Quá trình chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải quán triệt thực hiện tốt phương châm dân chủ đi đôi với kỷ cương pháp luật; cần tăng cường đối thoại công khai, dân chủ, tôn trọng lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân; vận dụng linh hoạt, phù hợp với các chính sách, pháp luật để bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và nhà đầu tư, tạo sự đồng thuận để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại. Có hình thức xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những phần tử quá khích, lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự công cộng, cản trở, chống đối, xúc phạm người thi hành công vụ, tổ chức cho người khác khiếu kiện trái pháp luật.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

- Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tập trung vào các ngành, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện của công dân như: Công tác quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng...

- Nghiêm túc sử dụng và cập nhật dữ liệu trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, bảo đảm chính xác, kịp thời, đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ.

2. Thanh tra tỉnh:

- Phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ; trước mắt, khẩn trương kiểm tra, rà soát và đề xuất giải quyết dứt điểm các vụ việc đã có Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, giải quyết chậm trễ các vụ việc thuộc thẩm quyền để công dân đi lại nhiều lần, bức xúc, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, làm ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

- Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Ban Tiếp công dân tỉnh:

- Xây dựng Kế hoạch, Lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo theo quy định; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân đột xuất đối với các trường hợp cần thiết. Đồng thời, tổ chức tốt việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; ngoài việc tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định, cần kết hợp giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đối với các vụ việc đông người, phức tạp, bức xúc cần chủ động đề xuất phương án xử lý kịp thời và hiệu quả.

- Phối hợp với Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; thường xuyên liên hệ với Ban Tiếp công dân Trung ương về tình hình công dân tỉnh Bình Định tập trung khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương để tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời.

- Tăng cường phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa Ban Tiếp công dân tỉnh với đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh.

3. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan nắm chắc tình hình, quản lý chặt số đối tượng khiếu kiện phức tạp trên địa bàn; có biện pháp ngăn chặn kịp thời những trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự; xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia khiếu kiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện./.

[...]