Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 75/KH-UBND theo dõi thi hành pháp luật do tỉnh Quảng Bình ban hành năm 2016

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 14/01/2016
Ngày có hiệu lực 14/01/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2016

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, từ đó có cơ sở thực tiễn để xem xét, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

b) Xác định lĩnh vực, nội dung, các hoạt động cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

2. Yêu cầu

a) Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất, theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư số 14/2014/TT-BTP) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; gắn kết chặt chẽ giữa theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính.

c) Gắn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm với theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật

a) Lĩnh vực theo dõi trọng tâm:

- Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở kết hợp với kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại UBND thành phố Đồng Hới và huyện Tuyên Hóa (mỗi đơn vị chọn 2 đến 3 đơn vị cấp xã để kiểm tra).

- Một số lĩnh vực trọng tâm khác theo kế hoạch của Bộ Tư pháp (nếu có).

b) Đối với các lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật trọng tâm năm 2016 nêu tại điểm a khoản 1 mục này, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP.

2. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật

a) Xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết

- Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

- Tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

- Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

b) Xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật

- Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật;

- Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật;

- Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.

c) Xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật

- Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;

[...]