Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2023 thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vĩnh Phúc về thống nhất các nội dung kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BIÊN BẢN GHI NHỚ GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC VỀ THỐNG NHẤT CÁC NỘI DUNG KẾT NỐI, LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về thống nhất các nội dung kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ký ngày 08/01/2023, góp phần vun đắp mối quan hệ, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Vĩnh Phúc để kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

Việc triển khai bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vĩnh Phúc; đảm bảo hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian thực hiện.

II. NỘI DUNG

1. Phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng và quản lý đô thị

Trên cơ sở định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc trong đồ án Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; định hướng phát triển giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang giao các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu đề xuất triển khai đầu tư một số tuyến đường giao thông kết nối giữa Vĩnh Phúc - Tuyên Quang.

Giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất lộ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, nâng các tuyến đường địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang thành QL.2D; phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị các điều kiện để nâng các tuyến đường địa phương của hai tỉnh thành QL.2D theo quy hoạch; bố trí, sắp xếp các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh phù hợp thực tế, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân 02 tỉnh.

Giai đoạn 2023-2025 triển khai đầu tư, quy hoạch phát triển các tuyến giao thông kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể:

- Đầu tư xây dựng đường từ thành phố Tuyên Quang đi xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, chiều dài khoảng 30km.

- Quy hoạch đường từ xã Đông Lợi (giao Đường từ thành phố Tuyên Quang đi xã Tam Đa, huyện Sơn Dương) đến xã Sơn Nam để kết nối với ĐT.310 (QL.2C tránh) phía tỉnh Vĩnh Phúc, chiều dài khoảng 15 km.

- Đầu tư đường kết nối xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang -xã Đạo trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - IC4 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chiều dài khoảng 5km.

- Đưa vào khai thác tuyến vận tải cố định Sơn Dương (Tuyên Quang) - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); xem xét kéo dài các tuyến xe buýt hiện có đến tiếp giáp địa phận tỉnh Vĩnh Phúc để kết nối với các tuyến xe buýt của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Cải tạo, nâng cấp đường ĐT 186 từ Km25+500 đến Km53+00 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Nâng các tuyến đường địa phương của tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc thành QL.2D theo quy hoạch sau khi được đầu tư đạt cấp IV theo quy định.

Trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, phát triển đô thị thông minh và quy hoạch vùng huyện Sơn Dương; quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; trao đổi các giải pháp triển khai, thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị, đô thị vệ tinh chất lượng, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường phối hợp công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là các khu vực khoáng sản giáp ranh giữa hai tỉnh theo quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường giữa cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp của hai tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai tỉnh nghiên cứu các loại khoáng sản có tiềm năng để sớm đưa các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vào hoạt động, linh hoạt trong cung cấp nguyên vật liệu cho nhu cầu của hai tỉnh. Đến nay, tiềm năng khoáng sản của tỉnh Tuyên Quang đã được điều tra, đánh giá như: chì kẽm, thiếc, wolfram, antimon, kaolin-felspat, đá vôi xi măng, đá vôi công nghiệp, đá làm vật liệu xây dựng thông thường...

2. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

Phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp, nhằm phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường, điều kiện tự nhiên nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất.

Chia sẻ hợp tác thực hiện một số nội dung trong công tác kiểm lâm, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan; chuyển giao các chương trình về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang.

Tổ chức tham quan, giới thiệu các mô hình điển hình, hiệu quả để nông dân hai tỉnh tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hợp tác thiết lập các kênh thông tin chia sẻ dữ liệu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiếp cận thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Phối hợp giới thiệu các trung tâm thương mại, các hệ thống siêu thị, các đầu mối tiêu thụ nông sản tại các chợ, bếp ăn tập thể,… để kết nối phân phối nông sản với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản của hai địa phương. Kết nối xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm OCOP của các Hợp tác xã, doanh nghiệp giữa hai tỉnh để hợp tác, trao đổi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của hai tỉnh cung cấp vào địa bàn.

3. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại

Phối hợp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển khu, cụm công nghiệp, định hướng phát triển các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, giới thiệu các nhà đầu tư đang đầu tư trên địa bàn mở thêm các nhà máy trên địa bàn tỉnh của nhau; công tác thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Phối hợp trao đổi thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm do hai tỉnh tổ chức. Tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm trong xây dựng, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm. Tổ chức các Hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và các hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vĩnh Phúc. Tạo điều kiện thuận lợi, liên kết phát triển mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hàng hóa của hai tỉnh.

[...]