Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2023 kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 117/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KẾT NỐI, LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIỮA TỈNH VĨNH PHÚC VÀ TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc thống nhất các nội dung kết nối, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ký ngày 08 tháng 01 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng tại Biên bản ghi nhớ đã ký kết hợp tác ngày 08/01/2023 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

2. Yêu cầu

Lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh, xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đảm bảo hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm, cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian thực hiện.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng và quản lý đô thị

Trên cơ sở định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đang được nghiên cứu trong đồ án Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang, nghiên cứu đề xuất triển khai đầu tư một số tuyến đường giao thông kết nối giữa Vĩnh Phúc - Tuyên Quang.

a. Giai đoạn 2023-2025 triển khai đầu tư, quy hoạch phát triển các tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể:

- Tuyến giao thông kết nối từ nút giao IC.5 (cao tốc Nội Bài-Lào Cai) đến Tuyên Quang. Phương án tuyến: Hướng tuyến có điểm đầu từ giao giữa QL.2C (Vĩnh Phúc) với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại nút giao IC.5 đi theo đường Vành đai phía Đông thị trấn Hợp Hòa đến ĐT.310 xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tuyến đi tiếp sang phía bên trái QL.2C hiện trạng để tránh các khu đông dân cư tại các xã Thái Hòa, Bắc Bình, Quang Sơn, Hợp Lý thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và điểm cuối kết thúc tại giáp ranh giữa hai tỉnh, khớp nối với hướng tuyến QL.2C điều chỉnh phía tỉnh Tuyên Quang; chiều dài tuyến khoảng 19Km, đề xuất quy mô đường cấp II đồng Bằng, 06 làn xe.

- Tuyến QL.2D kết nối huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc với huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Phương án tuyến: Điểm đầu tuyến từ giao với QL.2C, tuyến đi trùng ĐT. 302 đến nút giao đường Vành đai 5 (Ngã ba Đạo Trù) tuyến đi theo đường huyện Vĩnh Ninh-Đạo Trù, kết thúc tại điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, khớp nối với đường Thiện Kế-Ninh Lai, chiều dài khoảng 9 Km. - Đầu tư đường kết nối xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - xã Đạo trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - IC4 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chiều dài khoảng 5km.

- Tuyến ĐT. 307 kết nối huyện Sông Lô với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Phương án tuyến: Điểm đầu kết nối ĐT. 307 tại khoảng Km 25 (địa phận xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), tuyến được thiết kế mới sang phía bên trái ĐT. 307, điểm cuối kết nối vào đê tả sông Lô (địa phận xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang); chiều dài tuyến khoảng 6Km.

- Tuyến đường đê tả sông Lô kết nối xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

b. Phối hợp trong công tác vận tải hành khách giữa hai tỉnh

Duy trì, nâng cao chất lượng tuyến vận tải hành khách cố định Sơn Dương (Tuyên Quang) - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của nhân dân hai địa phương.

Trong năm 2023 sẽ mở lại tuyến xe buýt 06 từ thành phố Vĩnh Yên đến giáp ranh giữa hai tỉnh (Dốc Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

c. Khai thác khoáng sản

Tăng cường phối hợp công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là các khu vực khoáng sản giáp ranh giữa hai tỉnh theo quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường giữa cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp của hai tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai tỉnh nghiên cứu các loại khoáng sản có tiềm năng để sớm đưa các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vào hoạt động, linh hoạt trong cung cấp nguyên vật liệu cho nhu cầu của hai tỉnh.

1.2. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

Hợp tác về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch; sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp nhằm phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường, điều kiện tự nhiên, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; khuyến khích phát triển sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống có chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất, thúc đẩy chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hai tỉnh tiến hành trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về: Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; các biện pháp kiểm soát, quản lý về giống và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phối hợp trao đổi thông tin sớm về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chia sẻ kinh nghiệm chuẩn đoán xác minh, điều tra, giám sát dịch bệnh

Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến thương mại về sản xuất, chế biến rau, quả, sản phẩm chăn nuôi, các thực phẩm sạch, an toàn; tổ chức tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình tiên tiến, có hiệu quả kinh tế để nông dân hai tỉnh trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng và ATTP nông, lâm sản, thủy sản; tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; hỗ trợ tạo điều kiện cho hệ thống tiêu thụ và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm sản và thủy sản. Phối hợp xác định nguồn gốc thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động, thực vật hoang dã nguy cấp được nuôi, trồng tại các cơ sở nuôi, trồng trên địa bàn tỉnh.

[...]