Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2016 về xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW giai đoạn 2016-2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2016
Ngày có hiệu lực 03/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Lê Văn Tâm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 03 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ “TRÍ TUỆ - NĂNG ĐỘNG - NHÂN ÁI - HÀO HIỆP - THANH LỊCH” THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Thành ủy về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố, về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016;

Trên cơ sở đề tài khoa học Xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học thành phố nghiệm thu năm 2015;

Ủy ban nhân dân thành phố đề ra kế hoạch xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) (sau đây gọi tắt là người Cần Thơ), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo lập môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; xây dựng người Cần Thơ để phát huy nhân tố con người trong xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

2. Xây dựng trong cộng đồng xã hội những nhận thức, tình cảm, thái độ và sự tự giác, đồng thuận trong xây dựng người Cần Thơ. Đề ra lộ trình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng Sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn người Cần Thơ. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhân tố tích cực; phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong triển khai xây dựng người Cần Thơ.

II. TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ

1. Tiêu chuẩn chung của người Cần Thơ:

a) Yêu quê hương, đất nước; góp sức cùng cộng đồng xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại;

b) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người khác;

c) Chuyên cần học tập đạt chuẩn về chuyên môn, nghề nghiệp; làm tốt chức trách, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp;

d) Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao;

đ) Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, vui vẻ, hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử với mọi người;

e) Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự, di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật;

g) Thờ kính Tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; xây dựng gia đình hạnh phúc;

h) Kính trọng thầy giáo, cô giáo; sống có nghĩa, có tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí; thân thiện với du khách;

i) Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn; bảo vệ môi trường;

k) Không có hành vi bạo lực trong gia đình; trong trường học; không có hành vi bạo hành trong xã hội.

2. Tiêu chuẩn trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch của người Cần Thơ:

a) Tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ:

Người Cần Thơ trí tuệ là người có nhận thức sâu sắc, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống, cụ thể là:

- Có kiến thức, năng lực tiếp nhận, phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án khả thi để giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và đời sống;

- Có tinh thần say mê học tập, học suốt đời vì bản thân, gia đình vì sự tiến bộ xã hội, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;

- Có kỹ năng hoàn thành tốt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp mình đang làm;

- Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất lượng, giá trị tăng cao;

[...]