Kế hoạch 7172/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 7172/KH-UBND
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đặng Trí Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7172/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng tại hai huyện Lâm Hà và Đam Rông, giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển thương mại trên địa bàn hai huyện Lâm Hà và Đam Rông nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa hai huyện với các địa phương trong tỉnh và với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng tại huyện Lâm Hà và Đam Rông.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 10%-12%.

- Phát triển sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của hai huyện đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu để tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

- Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường thuộc địa bàn hai huyện.

- Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn hai huyện đảm bảo 100% cán bộ quản lý thương mại được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại.

- Khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện có năng lực tham gia hoạt động thương mại; giai đoạn 2021-2025, số thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện Lâm Hà và Đam Rông tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8% và đến năm 2025 có khoảng 12.300 cơ sở thương mại, dịch vụ.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Nhiệm vụ

1.1. Xây dựng các mô hình phân phối phát triển các mặt hàng đặc trưng, tiềm năng và lợi thế

a) Xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng, bao gồm điểm bán hàng vật tư, nông cụ, thiết bị phục vụ sản xuất; hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”

b) Xây dựng mô hình điểm bán các mặt hàng đặc sản, đặc trưng trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông, bao gồm các điểm bán hàng với tên gọi Điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Điểm bán hàng “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

c) Xây dựng và tổ chức mô hình phân phối chủ lực để kết nối cung và cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển phân phối vừa và nhỏ phù hợp với thị trường tại hai huyện Lâm Hà và Đam Rông. Trong đó, triển khai xây dựng kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là doanh nghiệp/hợp tác xã sản xuất, chế biến, dự trữ đối với sản phẩm nông sản; kênh tiêu thụ nông sản hợp nhất (khép kín trong doanh nghiệp) để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

1.2. Hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế

a) Khuyến khích đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh trên địa bàn hai huyện; hỗ trợ bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài; hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm, nông sản sản xuất trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông.

b) Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân truy xuất trực tuyến nguồn gốc nông sản từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối nông sản.

c) Hướng dẫn, hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, sau thu hoạch đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận OCOP cho các sản phẩm; kiểm soát chất lượng nông sản trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông.

d) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản, kết nối giao thương, kết nối cung cầu để đưa nông sản của hai huyện tiêu thụ ổn định, bền vững tại hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông.

1.3. Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ gắn với du lịch canh nông

a) Phát triển du lịch canh nông gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản, đặc trưng, lợi thế để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông.

b) Kết nối du lịch - điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của hai huyện - mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

1.4. Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại và dịch vụ hỗ trợ thương mại

a) Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại

[...]