Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 70/KH-UBND chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 70/KH-UBND
Ngày ban hành 21/03/2024
Ngày có hiệu lực 21/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Nguyễn Công Vinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 21 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI NGUY CƠ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Triển khai thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trên cơ sở tham mưu đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 54/TTr-SNN ngày 08/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chủ động trong phòng, chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn của người dân, nhất là việc sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Rà soát, đánh giá các tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, trên cơ sở đó chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sát với tình hình thực tế, đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và bảo vệ sản xuất.

Sẵn sàng phương án, kế hoạch cấp nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các khu vực nông thôn, vùng chưa có tuyến ống cấp nước, điều kiện giao thông đi lại không thuận tiện để lấy nước.

Sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về thủy lợi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

a) Rà soát, kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn,... đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt, tận dụng tối đa nguồn nước, triệt để, chống thất thoát lãng phí nước.

b) Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, đê kè, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào mùa khô hàng năm.

c) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết, điều hòa, cung cấp, phân phối nước hợp lý, đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trong mùa khô hàng năm.

d) Xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp, hiệu quả công trình trạm bơm điện đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân.

e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo thành lập, củng cố các Tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn thuộc phạm vi mình quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp chống hạn kịp thời.

2. Về sản xuất nông nghiệp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để triển khai các biện pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

b) Bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, triển khai có hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản.

c) Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cụ thể:

- Đối với lĩnh vực trồng trọt: Rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ sản xuất phù hợp, tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân hàng năm; khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng giống thích nghi với điều kiện hạn, mặn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt, tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương, tưới ướt khô xen kẽ... để tiết kiệm nước; kiên quyết không để người dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, trái lịch thời vụ ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới; đối với cây màu chỉ xuống giống ở những vùng canh tác truyền thống và chủ động được nguồn nước tưới. Rà soát, khoanh vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đối với cây ăn trái, cây lâu năm, cân đối nguồn nước cần thiết trong thời gian bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho cây trồng.

- Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý tốt các ổ dịch để can thiệp kịp thời, ngăn chặn, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

- Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản, theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn, pH,..) để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bố trí loại thủy sản và thời vụ nuôi cho phù hợp.

[...]