Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 687/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 687/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2024
Ngày có hiệu lực 27/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Trương Hải Long
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 687/KH-UBND

Gia Lai, ngày 27 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án); Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với những nội dung cụ thể sau:

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

1. Tình hình tổ chức bộ máy về chuyển đổi số

a) Các sở, ban, ngành:

- Sở Thông tin và Truyền thông: chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở được quy định tại Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử… chưa được rà soát, bổ sung. Đã thành lập Phòng có chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng.

- 100% các Sở, ban, ngành đã kiện toàn, hoặc đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số. Trong đó Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của các đơn vị là lãnh đạo các sở, ban, ngành và giao cho đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các đơn vị là Văn phòng của sở/ban/ngành, phòng/ban chuyên môn hoặc đơn vị trực thuộc như Trung tâm Công nghệ thông tin. Tại hầu hết các sở, ban, ngành đã bố trí đủ số lượng công chức có trình độ chuyên môn về Công nghệ thông tin để làm nhiệm vụ trực tiếp về chuyển đổi số. Một số đơn vị nhân sự làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa tuyển dụng được nhân sự để làm nhiệm vụ về chuyển đổi số (Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư).

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- 17 Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện; theo đó đều có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện về công nghệ thông tin chuyển đổi số theo quy định của Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử… chưa được rà soát, bổ sung.

- 100% Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn, đổi tên Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số. Đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin là Phòng Văn hóa và Thông tin. Hầu hết mỗi Phòng Văn hóa Thông tin có 01 biên chế công chức để tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng hoặc tiếp nhận biên chế (các huyện: Ia Pa, Kông Chro, Phú Thiện).

c) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

Ở hầu hết cấp xã, phường, thị trấn hiện nay chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này (chủ yếu phân công nhiệm vụ cho công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã).

2. Năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

Năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn, cụ thể:

- Phần lớn công chức chuyên môn của ngành xuất thân từ công chức kỹ thuật thuần túy, quen làm việc với các vấn đề mang tính kỹ thuật, việc thực hiện kỹ năng quản lý nhà nước còn nhiều khó khăn.

- Công chức làm công tác chuyên môn tại Sở Thông tin và Truyền thông tương đối trẻ, được đào tạo cơ bản từ các trường đại học nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cần rèn luyện thêm về kỹ năng quản lý và các kỹ năng mềm.

- Nhiều công chức chưa nắm chắc các định hướng chiến lược và các quy định pháp luật về công nghệ thông tin. Các công chức địa phương còn lúng túng trong việc nắm bắt và cập nhật văn bản.

- Các đơn vị, địa phương đứng trước tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin. Công chức chuyên môn ở cấp huyện và cấp xã chủ yếu được đào tạo chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác như văn hóa, thông tin, thể thao... Do công việc nhiều, công chức phải phụ trách nhiều lĩnh vực chuyên môn dẫn đến quá tải, không có điều kiện để hoàn thành tốt công việc và nâng cao năng lực, đặc biệt về chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 921/CTHĐ- UBND ngày 12/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khoá XVI) về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

c) Hình thành Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ cấp tỉnh đến cơ sở, có sự tham gia của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Mạng lưới chuyển đổi số).

d) Bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

2. Yêu cầu:

a) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cán bộ, công chức; không làm tăng tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 28-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2022 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18 tháng 07 năm 2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

b) Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định và phân công tại Kế hoạch.

[...]