Kế hoạch 6832/KH-UBND năm 2021 cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2022

Số hiệu 6832/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2021
Ngày có hiệu lực 30/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6832/KH-UBND

Bình Dương, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2022 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; cụ thể hóa Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025.

b) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

c) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

2. Yêu cầu

a) Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; Thủ trưởng các cơ quan, địa phương tích cực theo dõi, rà soát, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh, của cơ quan, địa phương.

b) Cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.

c) Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng Chính quyền số, Chính quyền điện tử với lộ trình phù hợp.

d) Cải cách hành chính phải gắn kết chặt chẽ, là nền tảng quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

e) Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 được gắn kết với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

a) Mục tiêu

- 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung của Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh.

- Tối thiểu 30%/tổng số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện được kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022. 100% cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch riêng (hoặc lồng ghép) và thực hiện kiểm tra công tác cải cách hành chính đối với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

- 100% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã được triển khai đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022, trong đó cần cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ các mục tiêu, tiến độ hoàn thành, phân công nhiệm vụ thực hiện.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong phạm vi quản lý; lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng và đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

- Triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, gắn với cải thiện và nâng cao các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý nhà nước của tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT Index).

2. Cải cách thể chế

a) Mục tiêu:

[...]