Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2020
Ngày có hiệu lực 13/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 13 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Đảm bảo cho mọi trẻ em trên địa bàn thành phố được bảo vệ trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

b) Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được xây dựng và củng cố ở các cấp.

c) Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trẻ em trong cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

d) 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

đ) 100% cán bộ ngành công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; xây dựng thí điểm Phòng điều tra thân thiện với trẻ em hoặc phòng lấy lời khai thân thiện với trẻ em tại Cơ quan điều tra Công an cấp thành phố.

e) Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác quản lý du lịch, cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông các cấp và hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn được tuyên truyền, tập huấn tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, trẻ em và cha mẹ trẻ em:

a) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tiếp tục đẩy mạnh vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ em:

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng đến các đối tượng là trẻ em và người chăm sóc trẻ em; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hình thành những hành vi tích cực của cộng đồng trong bảo vệ trẻ em.

- Tăng cường tổ chức đối thoại, diễn đàn về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để phát huy quyền tham gia của trẻ em trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Tuyên truyền các kênh tiếp nhận, giải đáp thông tin bao gồm: Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em (số 111), đường dây tư vấn số 18006605, khuyến khích mọi người dân kết nối và cung cấp thông tin trong các trường hợp cần thiết.

b) Hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong bảo vệ trẻ em:

- Triển khai Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ, cung cấp các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ em với trẻ em; giúp trẻ em phát triển các hành vi xã hội, cảm xúc lành mạnh.

- Phát triển và từng bước triển khai các chương trình, kỹ năng nuôi dạy con tích cực, phù hợp với lứa tuổi, bao gồm: Các chương trình kỹ năng làm cha mẹ nói chung cho tất cả các gia đình, các chương trình kỹ năng làm cha mẹ hướng tới gia đình có trẻ em được xác định là có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

c) Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về quyền, bổn phận trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

2. Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội:

a) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

b) Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục trong nhà trường, các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ em; thực hiện các biện pháp giáo dục tích cực, không bạo lực, xâm hại trẻ em.

c) Rà soát, nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động của các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em:

- Xây dựng chương trình đào tạo về phương pháp, bộ công cụ kỷ luật tích cực; lồng ghép nội dung đào tạo kỷ luật tích cực vào chương trình đào tạo giáo viên tại các trường hoặc khoa sư phạm, các chương trình phát triển chuyên môn cho các nhà quản lý, giáo viên.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ