Kế hoạch 667/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 667/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2020
Ngày có hiệu lực 08/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 667/KH-UBND

Kon Tum, ngày 08 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN CÁC LOÀI RÙA NGUY CẤP CỦA VIỆT NAM HIỆN CÓ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1176/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm các nội dung cụ thể sau:

I. Quan điểm

1. Bảo tồn các loài rùa nguy cấp hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Bảo tồn các loài rùa nguy cấp là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.

3. Đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát: Bảo vệ, phát triển bền vững các quần thể rùa nguy cấp nói riêng và động vật hoang dã nói chung trên địa bàn tỉnh và môi trường sống của chúng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

- Đánh giá được hiện trạng các loài rùa nguy cấp, quý hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh tỉnh Kon Tum;

- Hoàn thiện công tác quản lý và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm đặc biệt là các loài rùa;

- Nâng cao nhân thứ c, hiểu biết và sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, Nhân dân trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm.

III. Nội dung, giải pháp thực hiện

1. Nội dung thực hiện:

a) Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp nói riêng và động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là các loài rùa thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các cơ sở nuôi rùa nói riêng và động vật hoang dã nói chung vì mục đích thương mại và phi thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các quy định nhằm quản lý, kiểm soát hiệu quả tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ trái phép và mua bán trực tuyến trên các mạng xã hội đối với các loài rùa được bảo vệ.

- Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về công tác cứu hộ, chăm sóc, quản lý trong điều kiện nuôi nhốt, nhân nuôi và tái thả về tự nhiên đối với các loài rùa nguy cấp hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

b) Tổ chức các hoạt động điều tra, đánh giá về các loài rùa nguy cấp.

- Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài rùa nguy cấp hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Cập nhật phân loại học và đề xuất tình trạng bảo tồn của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt trên địa bàn tỉnh Kon Tum đối với Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN.

- Hỗ trơ ̣ công tác xác định phạm vi vùng phân bố các loài rùa nguy cấp của Việt Nam hiện có trên địa bàn tỉnh.

c) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp nói riêng và động vật hoang dã nói chung.

- Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Quản lý thi trường, Hải quan, Biên phòng,... đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, giết mổ, tiêu thụ trái phép các loài rùa nguy cấp nói riêng và động vật hoang dã nói chung.

- Tham gia các lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý, bảo tồn, thực thi pháp luật về các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và các loài rùa nguy cấp; nâng cao năng lực về nhận dạng, áp dụng các văn bản pháp luật và biện pháp xử lý các cá thể rùa tịch thu được từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép; công tác cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng và tái thả về tự nhiên đối với các loài rùa nguy cấp hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở, hộ gia đình gây nuôi các loài rùa nói riêng và động vật hoang dã nói chung vì mục đích thương mại và phi thương mại; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của động vật và các quy định về gây nuôi động vật hoang dã.

[...]