Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2023 về phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2023
Ngày có hiệu lực 15/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 3819/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc Ban hành “Kế hoạch phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động sáng tạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.

2. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường tiềm lực cho KH,CN&ĐMST; ưu tiên nhiệm vụ KH,CN&ĐMST nhằm hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát huy thế mạnh lĩnh vực tiềm năng và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

3. Tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách có trọng tâm, trọng điểm cho các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST, đi đôi với việc đẩy mạnh xã hội hóa.

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành; coi chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư là giải pháp đột phá trong KH,CN&ĐMST của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

5. Kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa nguồn nhân lực của ngành với nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm phát huy nội lực, khai thác triệt để những thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư trong hoạt động KH,CN&ĐMST lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2030, hoạt động KH,CN&ĐMST trở thành động lực, góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển ngành khoa học, công nghệ và ngành văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, công dân tỉnh Lạng Sơn theo hướng toàn diện, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI); góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương để phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch kinh doanh dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ và dịch vụ số; phát triển KH,CN&ĐMST trong các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số.

b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để triển khai thực hiện các đề tài, dự án cấp tỉnh lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Phấn đấu giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, xây dựng và thực hiện từ 01 đến 02 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

c) Nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa, thể thao, du lịch trên nền tảng công nghệ, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển ngành và hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 ứng dụng hiệu quả 02 sản phẩm, dịch vụ, đến năm 2030 có thể ứng dụng hiệu quả 04 sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐẾN NĂM 2030

1. Định hướng nghiên cứu khoa học

a) Lĩnh vực văn hóa, gia đình

Sưu tầm và triển khai kết quả các chương trình nghiên cứu mang tính lý luận, làm rõ quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong xu thế của cuộc CMCN lần thứ tư, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giá trị, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi: giá trị quốc gia, giá trị đặc thù, giá trị cộng đồng, giá trị gia đình, giá trị cá nhân, giá trị truyền thống, giá trị phi truyền thống, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam; giá trị về yêu nước, dân chủ, công bằng, văn minh, tự do, hòa bình, hạnh phúc.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phát huy các giá trị, hệ sinh thái văn hóa, nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước, làm cơ sở cho việc tiếp thu tinh hoa hệ giá trị quốc gia, phát triển nguồn lực nhân văn Việt Nam làm điều kiện cho hội nhập quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch.

Nghiên cứu về văn học, nghệ thuật: mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, văn học; nghiên cứu các vấn đề về chính sách và cơ chế quản lý nhằm thu hút đầu tư cho các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; nghiên cứu hoạt động biểu diễn nghệ thuật gắn với phát triển ngành du lịch.

Nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, phân tích và đánh giá giá trị văn hóa vật thể thông qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá giá trị di sản văn hóa phi vật thể qua hệ thống tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

Chú trọng nghiên cứu về văn hóa đặc trưng vùng miền góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chú trọng nghiên cứu văn hoá các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các nhóm yếu thế trong xã hội, vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để bảo đảm phát triển, hài hòa giữa các cộng đồng dân cư.

Nghiên cứu về hoạt động, tổ chức và giải pháp để phát triển đời sống văn hóa trong gia đình nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hoá trong các khu dân cư; mô hình gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử văn hóa trong gia đình; các vấn đề gia đình đa văn hóa, gia đình có yếu tố nước ngoài; về ứng dụng công nghệ của CMCN lần thứ tư vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình.

Nghiên cứu các vấn đề nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số, hiệu quả kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm văn hóa trên không gian mạng; việc khởi nghiệp, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; công nghệ phát triển hệ thống phần mềm thư viện điện tử hiện đại, công nghệ lập trình ứng dụng, sử dụng dịch vụ thư viện trên các thiết bị di động, công nghệ thư viện lưu động, thư viện tự động; các vấn đề quản trị cho các tổ chức nghệ thuật; an ninh văn hóa trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của phương tiện, công nghệ truyền thông mới; nghiên cứu quy trình, ứng dụng công nghệ trong tuyển chọn tài năng văn hóa nghệ thuật.

[...]