Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2020 triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và năng lực xử lý án về ma túy của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp” trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2020
Ngày có hiệu lực 27/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “HỖ TRỢ, NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY CHO CÁC LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH CỦA BỘ CÔNG AN, BỘ QUỐC PHÒNG, BỘ TÀI CHÍNH (TỔNG CỤC HẢI QUAN) VÀ NĂNG LỰC XỬ LÝ ÁN VỀ MA TÚY CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư “Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020”; ngày 17/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 9938/QĐ-BCA-C04 về việc phê duyệt Dự án “Hỗ trợ; nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và năng lực xử lý án về ma túy của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp”, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy nhằm chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa và phát hiện kịp thời, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, người nghiện ma túy góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng chuyên trách; tăng cường năng lực điều tra của Cơ quan điều tra, năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong giải quyết vụ án hình sự về ma túy và quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân trong lĩnh vực ma túy; đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...

3. Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong Dự án theo đúng thời gian quy định với hiệu quả cao nhất, đảm bảo nguyên tắc trong sử dụng và quản lý kinh phí theo quy định.

II. MỘT SỐ MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Hàng năm, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật và bản lĩnh chính trị cho 100% cán bộ, chiến sỹ trực tiếp phòng, chống ma túy thuộc lực lượng chuyên trách của Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Cục Hải quan Thành phố và kiểm sát viên, kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân, thẩm phán, thẩm tra viên của Tòa án nhân dân các cấp.

2. Hàng năm, tổng kết, rút kinh nghiệm 100% các vụ án ma túy lớn, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

3. Hàng năm, 100% các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, viễn thông, tin học công cụ hỗ trợ chuyên dụng, hệ thống lưu trữ, quản lý dữ liệu được nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật, nâng cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy.

4. Hàng năm, 100% các vụ án ma túy được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội; 99% hồ sơ người nghiện được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện, trong đó coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng chuyên trách của Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố trong công tác phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong giải quyết các vụ án hình sư về ma túy và quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân đối với những hành vi vi phạm liên quan đến ma túy và tội phạm ma túy

a) Nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác phòng, chống ma túy và công tác điều tra, kiểm sát, truy tố, xét xử các vụ án ma túy

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống ma túy, cơ quan thực hiện quyền công tố, xét xử của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Tòa án nhân dân các cấp theo hướng chuyên môn hóa; rà soát biên chế, bố trí cán bộ đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng, đảm bảo đủ năng lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Kiểm soát chặt chẽ, phát hiện xử lý những sơ hở, thiếu sót của các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có thể bị tội phạm ma túy lợi dụng, tập trung tổ chức quản lý chặt chẽ những ngành nghề dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng thực hiện hoạt động phạm tội, các hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất ma túy, thuốc hướng thần và thuốc có chứa chất ma túy. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội (được thành lập theo Quyết định số 6190/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 của UBND Thành phố), tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nhằm đôn đốc, kiểm tra và đánh giá công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Nâng cao năng lực phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; năng lực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy

- Thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác vận động quần chúng và phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”, gắn liền với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính trị - xã hội.

- Phối hợp, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy; tiến hành nghiên cứu, cải tiến phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, miền, từng loại đối tượng, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; hỗ trợ hoạt động và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả ở cơ sở; lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển kinh tế xã hội khác của địa phương.

- Hàng năm, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ là công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, đội ngũ phóng viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác này.

- Tăng cường phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị, lực lượng, đặc biệt phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách trong đấu tranh với tội phạm ma túy, trong đó lực lượng Công an là chủ trì; kịp thời bổ sung, sửa đổi các quy chế phối hợp giữa các lực lượng, giữa các bộ, ngành; tích cực điều tra mở rộng, truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây mua bán ma túy lớn, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; truy bắt và vận động có hiệu quả các đối tượng phạm tội về ma túy bị truy nã ra đầu thú; tiếp nhận, xử lý giải quyết các loại tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình kế hoạch, các chuyên án, vụ án ma túy lớn, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, để rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sơ hở thiếu sót nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời tránh thương vong cho cán bộ, chiến sỹ.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy để thu thập, củng cố chứng cứ, thống nhất quan điểm giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, Tòa án. Lựa chọn những vụ án điểm về ma túy để đưa ra xét xử lưu động nhằm giáo dục, răn đe người phạm tội, phục vụ công tác tuyên truyền.

Thông qua công tác điều tra, truy tố và xét xử phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội, những kẽ hở, bất cập, những vấn đề chưa hoàn thiện của các văn bản pháp luật nhằm kiến nghị, bổ sung, chỉnh lý.

c) Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, các Hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương về hợp tác phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tích cực hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới trong công tác phòng, chống ma túy.

- Thực hiện cơ chế trao đổi thông tin hợp tác trực tiếp với lực lượng phòng, chống ma túy các nước trong xác minh, điều tra, xử lý các đường dây, đối tượng hoạt động phạm tội ma túy có liên quan đến Việt Nam.

[...]