Kế hoạch 6507/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 6507/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6507/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 08-NQ/TU NGÀY 04/11/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để giữ vững ổn định chính trị, tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kỷ cương, liêm chính; tiếp tục nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

2. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

3. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

4. Chủ động phối hợp tham mưu xây dựng và thực hiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không thể tham nhũng, tiêu cực; không dám tham nhũng, tiêu cực; không cần tham nhũng, tiêu cực và làm tốt công tác giáo dục liêm chính để không muốn tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao tỷ lệ thu hồi tải sản tham nhũng, tiêu cực.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

Giao các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân:

a) Tăng cường chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả kiểm tra, thanh tra; xử lý cán bộ, công chức vi phạm; về khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tham gia tích cực đấu tranh, ngăn chặn “tham nhũng vặt”; bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

b) Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đi đôi với xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

c) Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quyết liệt bằng hành động để làm gương cho cán bộ, công chức và nhân dân noi theo; cán bộ, công chức phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực; tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

2. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn:

a) Trong công tác tổ chức - cán bộ:

- Thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân.

- Mở rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một công việc dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; có kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng theo quy định.

- Kiên quyết và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo quản lý để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thuộc lĩnh vực mình quản lý, phụ trách nhưng không phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời; để xảy ra hậu quả.

b) Trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước:

- Từng cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung kịp thời các quy chế chi tiêu nội bộ, quy định về mua sắm tài sản, sử dụng các phương tiện, máy móc phục vụ hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và công khai, minh bạch.

c) Trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật:

- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thực hiện quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu trong đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách, thu thuế, phí, lệ phí; sử dụng vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, tín dụng ngân hàng; hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Thực hiện nghiêm về công khai, minh bạch và trách nhiệm thực thi công vụ để nhân dân, doanh nghiệp đến liên hệ, giải quyết công việc.

d) Thực hiện kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn:

- Tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng kê khai và thực hiện kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

- Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

[...]