Kế hoạch 623/KH-UBND năm 2021 tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu | 623/KH-UBND |
Ngày ban hành | 05/02/2021 |
Ngày có hiệu lực | 05/02/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký | Phan Tấn Cảnh |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 623/KH-UBND |
Ninh Thuận, ngày 05 tháng 02 năm 2021 |
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, chấn chỉnh xử lý dứt điểm tình trạng xe hợp đồng vi phạm quy định trong hoạt động dịch vụ vận tải, xe kinh doanh vận tải hành khách hoạt động sai tuyến hành trình quy định (gọi tắt là xe dù), đón trả khách không đúng nơi quy định (gọi tắt là bến cóc), cụ thể như sau:
1. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô; với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đáp ứng tiêu chí đô thị loại II trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và đồng thuận, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo quy định. Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, đội ngũ lái xe và hành khách đi xe trong việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, thực hiện công tác phân công theo dõi an toàn giao thông qua thiết bị giám sát hành trình toàn bộ lái xe trong doanh nghiệp, đơn vị mình quản lý.
3. Phát hiện kịp thời và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động kinh doanh vận tải đảm bảo công bằng, lành mạnh, minh bạch và đúng quy định; góp phần làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở địa phương.
1. Nội dung phối hợp.
a) Tổ chức phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, Đài truyền thanh các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ, các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đến các đơn vị kinh doanh vận tải và Nhân dân, nhất là việc chấp hành sử dụng xe trung chuyển đón khách, không đón, bắt xe tùy tiện không đúng nơi quy định gây mất trật tự, an toàn giao thông.
b) Tổ chức cho các đơn vị kinh doanh vận tải ký cam kết không vi phạm về đón, trả khách không đúng nơi quy định (đón khách tại các điểm bán vé, bãi đỗ xe… ).
c) Kiểm tra và xử lý các vi phạm về thành lập bến cóc để đón, trả khách không đúng nơi quy định; đón, trả khách tại các điểm bán vé, nơi đỗ xe của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (tập trung kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định).
d) Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi về thực hiện trung chuyển khách theo quy định; kinh doanh không đúng hình thức đã đăng ký (gian lận trong kinh doanh vận tải hành khách); xe dù (trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm về xe dù thì các tổ công tác có trách nhiệm thông báo cho Tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên các tuyến Quốc lộ để dừng phương tiện xử lý theo thẩm quyền); xe kinh doanh vận tải không có phù hiệu theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn.
đ) Kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình theo quy định; việc thực hiện quy chuẩn xe khách.
e) Kiểm tra và xử lý về điều kiện của phương tiện (đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm bắt buộc … ); điều kiện của lái xe; hàng hóa độc hại, nguy hiểm chở theo xe.
g) Kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với các bến xe khách trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách; Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách (sửa đổi lần 01 năm 2015).
2. Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục.
3. Địa điểm kiểm tra: Tại các Bến xe khách; các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (kể cả các tuyến Quốc lộ); tại nơi bán vé, nơi đỗ xe của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Tập trung kiểm tra tại các điểm phức tạp (khu vực Ngã 05 Phủ Hà, siêu thị Thanh Hà, khu vực Tháp Chàm, khu vực bến xe cũ, khu vực đường Đoàn Thị Điểm, chợ Phan Rang… ).
4. Lực lượng tham gia phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm:
Thành lập tổ công tác để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, 01 ca công tác bao gồm các lực lượng sau:
- Thanh tra Giao thông vận tải (Tổ trưởng) |
: 02 Thanh tra viên; |
- Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội |
: 02 cán bộ, chiến sĩ; |
- Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh |
: 01 cán bộ, chiến sĩ; |
- Cảnh sát Giao thông thành phố Phan Rang-Tháp Chàm |
: 02 cán bộ, chiến sĩ; |
- Công an phường, xã |
: 01 cán bộ, chiến sĩ. |
5. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác: Trong quá trình kiểm tra, các lực lượng được dùng các trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công tác xử lý vi phạm; phương tiện phục vụ kiểm tra do các lực lượng tự bố trí.
6. Phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng phối hợp:
a) Lực lượng Cảnh sát giao thông: Thực hiện nhiệm vụ dừng phương tiện theo thẩm quyền và phân cấp của Công an tỉnh; kiểm tra các loại giấy tờ của xe; xử lý các lỗi vi phạm theo thẩm quyền; tổng hợp kết quả xử lý chuyển cho lực lượng chủ trì tổng hợp theo quy định; sử dụng hệ thống camera quản lý giao thông để phát hiện xử lý vi phạm giao thông, đối chiếu dữ liệu camera giao thông với thông tin của ngành Giao thông vận tải và Bến xe khách để xử lý xe dù.
b) Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải: Tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải hành khách tại các Bến xe, Trạm dừng nghỉ, các điểm bán vé của đơn vị vận tải (giao thông tĩnh); tiến hành xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chuyển các nội dung vi phạm không thuộc thẩm quyền cho Cảnh sát giao thông xử lý; tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động khi kết thúc ca làm việc, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
c) Lực lượng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội: Kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; đảm bảo an ninh- trật tự xã hội tại các vị trí làm việc của tổ công tác; trấn áp và xử lý đối với các hành vi chống đối gây mất trật tự công cộng.
d) UBND, Công an các xã, thị trấn, phường (cấp xã): UBND cấp xã, Công an cấp xã (nơi tổ công tác làm việc) bố trí cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ công tác để hỗ trợ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.