Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 03/03/2023
Ngày có hiệu lực 03/03/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 03 tháng 03 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm, tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh như: Xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đối với phương tiện vận tải hành khách; tình trạng các phương tiện vận tải hành khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; các xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách như xe vận tải hành khách tuyến cố định “xe trá hình”, hiện tượng “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng trở lại dẫn đến tình trạng mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong xã hội.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”, đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các ngành, các cấp, phù hợp thực tế, đảm bảo hiệu quả; qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tuân thủ pháp luật; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách

- Thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo an toàn giao thông; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện và điều kiện của người lái xe trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

- Tuyên truyền, quán triệt, giáo dục cho lái xe, nhân viên phục trên xe nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khi điều khiển phương tiện. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động.

- Bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý đối với lái xe vi phạm, đặc biệt chú trọng kiểm soát tốc độ và thời gian làm việc của lái xe; đảm bảo duy trì hoạt động liên tục của thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định.

- Quản lý, cấp phát lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển cho lái xe theo đúng quy định. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện nghiêm việc cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển trước khi thực hiện vận chuyển hành khách đến Sở Giao thông vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email) theo quy định.

- Thực hiện nghiêm các quy định về đón, trả khách; tuyệt đối không tổ chức đón trả khách trái quy định tại các văn phòng đại diện của đơn vị, bãi đỗ xe, khu vực đón trả khách tự phát. Có biện pháp thực hiện tốt việc trung chuyển hành khách; khuyến khích trang bị, đầu tư xe trung chuyển để phục vụ đưa đón hành khách đến bến xe, điểm đón - trả khách đã được công bố theo quy định.

2. Đối với các Bến xe

- Tổ chức thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra, vào bến xe; kiểm tra chặt chẽ điều kiện của phương tiện và lái xe theo quy định; giám sát quá trình xếp khách và hành lý lên xe trước khi xuất bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với những xe hoặc lái xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Cập nhật đầy đủ các thông tin của phương tiện vận tải hành khách ra, vào bến vào phần mềm quản lý bến xe theo quy định. Báo cáo kịp thời các trường hợp xe tuyến cố định không hoạt động tại bến, bỏ bến ra ngoài hoạt động về Sở Giao thông vận tải để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

- Phối hợp, tăng cường trách nhiệm quản lý giữa bến xe với đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông để kiểm tra, kiểm soát hoạt động đón, trả khách của các đơn vị kinh doanh vận tải.

3. Sở Giao thông vận tải

- Tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thực hiện nghiêm túc quy định về truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera; đảm bảo việc truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát thông qua hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô kinh doanh vận tải để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến bãi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

- Gửi danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý. Thường xuyên cập nhật, bổ sung trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải danh mục các tuyến trên địa bàn tỉnh, danh sách tuyến đang khai thác, tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian và tổng số chuyến xe đã đăng ký hoạt động, danh sách các đơn vị vận tải hiện đang hoạt động vận chuyển trên tuyến, biểu đồ chạy xe theo tuyến, số điện thoại di động đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.

- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải phù hợp với thực tế và các quy định hiện hành; tăng cường mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giữa các bến xe và trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho xe trung chuyển kết nối tuyến cố định với hành khách.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách, chú trọng kiểm tra tại các khu vực xung quanh bến xe, bãi đỗ xe, các địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đón, trả khách không đúng nơi qui định, các địa điểm “xe dù, bến cóc” hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị vận tải hành khách, bến xe khách.

- Phối hợp với lực lượng Công an tăng cường kiểm tra hoạt động của xe vận tải hành khách theo hợp đồng và các tụ điểm thường xuyên có hoạt động đón trả khách trái phép và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

4. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách; chú trọng tuần lưu, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng xe khách lưu thông cao, khu vực xung quanh bến xe, bãi đỗ xe, các địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đón, trả khách không đúng nơi qui định, các địa điểm “xe dù, bến cóc” hoạt động.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm như: Đậu, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định thông qua hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhất là các hành vi vi phạm sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông.

5. Sở Y tế

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác xét nghiệm ma túy, chất kích thích và nồng độ cồn đối với lái xe ô tô khách, ô tô tải và các nạn nhân bị tai nạn giao thông, cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh.

[...]