Kế hoạch 6217/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 1162/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 6217/KH-UBND
Ngày ban hành 16/09/2021
Ngày có hiệu lực 16/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6217/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1162/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA VÀ HẢI ĐẢO GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Quyết định 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, biên giới quốc gia.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình kết hợp với các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gắn với trách nhiệm của từng Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh, hài hòa giữa phát triển thương mại khu vực này với các vùng miền khác, giữa mục tiêu phát huy lợi thế so sánh với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 12 huyện, thành phố thuộc phạm vi áp dụng của chương trình và được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025 với mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

b) Hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đáp ứng hoạt động phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đây vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

2. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của tỉnh đạt mức tăng trưởng trên 9%/năm.

b) Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

c) Phát triển thương nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tăng trung bình từ 8% - 10%/năm.

d) Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

e) Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn, đến năm 2025 trên 90% cán bộ quản lý thương mại được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

g) Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác… tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

a) Tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành có liên quan đến phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trên cơ sở phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên, từ đó tạo động lực nhằm khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động thương mại.

b) Triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

c) Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

2. Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế

a) Hướng dẫn, tạo điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng khu vực.

b) Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mô hình điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền nhằm giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và của các tỉnh, thành trong cả nước.

3. Triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương

a) Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch và chế biến; sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng thuộc vùng Tây của tỉnh; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho những mặt hàng có tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

[...]