Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 337/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 337/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2021
Ngày có hiệu lực 13/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 337/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt mức tăng trưởng 10%-15% hàng năm trong giai đoạn 2021-2025.

- Phát triển các sản phẩm, hàng hóa là đặc trưng, đặc sản của miền núi, vùng sâu, vùng xa (đặc biệt chú trọng sản phẩm chè, cam, bưởi); đồng thời mở rộng, phát triển các sản phẩm, hàng hóa khác tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, có thương hiệu đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

- Đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống phân phối hàng hóa theo chuỗi, bảo đảm lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đáp ứng tiêu dùng trên địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hạ tầng thương mại biên giới.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa thống nhất, đồng bộ.

- Phát triển cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn, phát triển năng lực chuyên môn cho các cán bộ phụ trách, quản lý công tác phát triển thương mại.

- Giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình

a) Phạm vi địa bàn: Chương trình thực hiện trên phạm vi 8 huyện nằm trong danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện Chương trình được ban hành kèm theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân.

b) Thời gian thực hiện: từ năm 2021-2025.

2. Đối tượng của Chương trình

- Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động quản lý, thực hiện Chương trình.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có liên quan.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa

- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cơ chế, chính sách phát triển thương mại và tiêu dùng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích phát triển hàng hóa có thế mạnh, tăng cường lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế của miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Rà soát, tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Trung ương; tham mưu đề xuất đầu tư đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

2. Đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa

- Rà soát, triển khai quy hoạch giao thông phù hợp với việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm nối liền mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị với các tuyến đường nhằm tạo điều kiện thuận li cho sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa. Quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đoạn đường nối Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao, hệ thống giao thông kết nối Đông Tây để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

[...]