Kế hoạch 608/KH-UBND năm 2021 thực hiện “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định 523/QĐ-TTg

Số hiệu 608/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2021
Ngày có hiệu lực 17/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 608/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021 -2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 523/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3458/QĐ-BNN-TCLN ngày 03/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1294/TTr-SNN ngày 27/8/2021.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh để đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

1.2. Kế hoạch là căn cứ cho các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp.

2. Yêu cầu

2.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2.2. Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2.3. Cụ thể hóa các yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp; nâng cao tính chủ động và sự hợp tác giữa các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế, xã hội

- Trồng lại rừng phòng hộ: Dự kiến đến năm 2030, thực hiện trồng lại (trồng cải tạo, nâng cấp): 360 ha (bình quân 36 ha/năm), nâng diện tích rừng trồng phòng hộ được cải tạo, nâng cấp của tỉnh lên 552,31 ha (bằng 100% diện tích rừng hiện có);

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật. Khai thác được tối đa lợi thế về rừng của Bắc Ninh, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng; góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực thực hiện dự án; đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân với việc phát triển rừng;

- Nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp;

- Thu hút mọi nguồn lực xã hội và sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt của người dân sống gần rừng vào các hoạt động lâm nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển lâm nghiệp với phát triển kinh tế, xã hội;

b) Về môi trường

- Tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021 - 2030 ổn định ở mức từ 0,67% đến 0,70%, tạo lập môi trường sinh thái bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

[...]