Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 295/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 295/KH-UBND
Ngày ban hành 01/10/2021
Ngày có hiệu lực 01/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 01 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3458/QĐ-BNN-TCLN ngày 03 tháng 8 năm 2021 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chiến lược) phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

Đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất nhằm phát triển lâm nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững.

2. Yêu cầu

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các định hướng và giải pháp của Chiến lược. Xác định rõ vai trò, phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chiến lược.

Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo nội dung Kế hoạch. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và các ngành liên quan.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP (chi tiết xem Phụ lục đính kèm)

1. Nhiệm vụ

a) Quy hoạch lâm nghiệp

Triển khai thực hiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nâng cao chất lượng rừng để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phát triển du lịch sinh thái; thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Nâng cao năng lực cho các chủ rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững. Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên rừng.

Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp phù hợp đặc điểm của hệ sinh thái rừng tràm, đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện đạt hiệu quả.

Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao như Vườn quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Gáo Giồng góp phần bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước.

c) Phát triển và sử dụng rừng

Phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng để giảm thiểu tác hại do thiên tai, cải thiện môi trường, giảm phát thải; tăng hấp thu các-bon, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện hiệu quả Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, tăng ổn định diện tích trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, khuôn viên công sở, trường học, nhà máy, khu công nghiệp,... nhằm cung cấp gỗ và nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thực hiện hiệu quả Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái.

2. Giải pháp

a) Thực hiện cơ chế, chính sách

Kịp thời triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào phát triển lâm nghiệp; rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phát triển lâm nghiệp, triển khai thực hiện tốt các chính sách hiện hành.

[...]