Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 6033/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 6033/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2022
Ngày có hiệu lực 23/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6033/KH-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 687/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM

Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nêu trên, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn.

- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế, các thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, thực hiện tốt hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn.

2. Yêu cầu

Thực hiện kế hoạch phải đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp giữa các địa phương, tính liên kết vùng và phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các tác động từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021-2025

- Tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 25%. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%. Giá trị sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP.

- Tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua TFP khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế.

- Phấn đấu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm dùng một lần trong sinh hoạt; tăng dần tỷ lệ thu gom rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và các hoạt động khác trên biển.

b) Giai đoạn 2025-2030

- Tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 30%. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40%. Giá trị sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 10% GRDP.

- Tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua TFP khoảng 50% vào tăng trưởng kinh tế.

- Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

- Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; phấn đấu 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; phát triển được ít nhất 3.000 MW điện tái tạo; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 220kV, 500kV kết nối địa bàn huyện biển, đảm bảo giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lồng ghép một số nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp để tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn; đồng thời, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất, tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh.

4. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực và địa phương.

5. Tranh thủ các nguồn tài trợ, viện trợ từ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn, các dự án về công nghệ, dịch vụ thân thiện với kinh tế tuần hoàn.

[...]