Kế hoạch 5132/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 5132/KH-UBND
Ngày ban hành 03/10/2022
Ngày có hiệu lực 03/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5132/KH-UBND

Bình Dương, ngày 03 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 687/QĐ-TTG NGÀY 07/6/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2602/SKHĐT-TH ngày 09/9/2022 về việc tham mưu triển khai thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thống nhất của các Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể như sau:

I. BỐI CẢNH

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có công nghệ còn lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Đồng thời, Luật cũng xác định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn; khẳng định đây là hướng phát triển kinh tế trong tương lai của tỉnh. Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá; bổ sung, đồng thời lồng ghép các nội dung về kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Các doanh nghiệp đóng vai trò động lực trung tâm. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo bằng pháp luật, chính sách ưu đãi, hướng dẫn, ngoài ra có cả vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế tuần hoàn.

3. Lựa chọn nhóm doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên chuyển đổi và phát triển với các tiêu chí rõ ràng để tập trung hỗ trợ hiệu quả, tránh tràn lan. Các chương trình hỗ trợ, phát triển nhắm tới kết quả đầu ra, đảm bảo tính hệ thống với các bước đi phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội.

4. Cần gắn liền thực hiện kinh tế tuần hoàn với phát triển công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tiếp thu sáng tạo và từng bước làm chủ công nghệ; ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường trong các ngành sản xuất.

5. Mô hình kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên các tiêu chí: (i) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu, tiết kiệm năng lượng; (ii) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện và (iii) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức, trình độ các bên liên quan trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, hình thành ý thức của người dân về sử dụng sản phẩm tái chế hoặc thân thiện môi trường;

- Xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và phương thức tiếp cận để xây dựng mô hình và lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu đánh giá để phát triển kinh tế tuần hoàn;

- Triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

IV. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn

a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế tuần hoàn và lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, hình thành ý thức của người dân về giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, rác thải.

b) Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện:

- Nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng áp dụng mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại chất thải, rác thải từ hộ gia đình, mô hình kinh doanh bền vững; huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải;

- Mở các chuyên trang, chuyên mục về giảm thiểu, phân loại, thu gom và tái chế chất thải, rác thải; quảng bá các sản phẩm được gắn nhãn xanh, nhân sinh thái;

[...]