Kế hoạch 6010/KH-UBND năm 2015 thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 6010/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2015
Ngày có hiệu lực 17/11/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6010/KH-UBND

Bến Tre, ngày 17 tháng 11 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, trên cơ sở những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của tỉnh; đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là: Cải cách toàn diện, đồng bộ về tổ chức, bộ máy và thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải thiện có hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh tạo sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của tỉnh.

- Cải thiện và nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PIC), Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPO) thuộc nhóm khá trở lên.

- Nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 90% vào năm 2020. 100% UBND các huyện, thành phố có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại.

- Đến năm 2020, 100% các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh có cơ cấu công chức theo ngạch phù hợp với vị trí việc làm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; 100% các đơn vị sự nghiệp công lập có cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp để hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu quả; 80% cán bộ và 100% công chức cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn.

- Sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước; 100% cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế khoán về kinh phí theo quy định.

- Đến năm 2020, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 85%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh đạt mức trên 90%.

- 100% cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong công tác chỉ đạo, điều hành, trao đổi và xử lý công việc. Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3. Phấn đấu có từ 50% số đơn vị hành chính cấp xã trở lên triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Về cải cách thể chế

- Nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo văn bản ban hành đúng với quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế của địa phương để kịp thời điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước tại tỉnh.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành và rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực khi có yêu cầu để kịp thời huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp.

- Tiếp tục tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đảm bảo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế hoạch của Bộ Tư pháp, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

2. Cải cách thủ tục hành chính

- Công bố, cập nhật, công khai thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính và Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 24/6/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công bố và niêm yết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện rà soát kiến nghị cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, đăng ký kinh doanh, y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội... để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và xóa bỏ những chi phí không chính thức nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các quy định hành chính và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Lấy chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

- Sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đảm bảo sự thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện những chồng chéo, bất cập trong thực hiện chc năng, nhiệm vụ và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành của Trung ương (thay thế Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 01/02/2012 của UBND tỉnh về ban hành Quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức; Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 của UBND tỉnh về ban hành Quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý viên chức). Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân cấp.

[...]