ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5936/KH-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
16 tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ PHÒNG NGỪA
NGHIỆN MA TÚY ĐỐI VỚI NHÓM NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT
MA TÚY” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-LĐTBXH ngày
30/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu
quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người
có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tại Tờ trình số 216/TTr-SLĐTBXH ngày 05/6/2023;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa
nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất
ma túy” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như
sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Các hoạt động nâng cao nhận thức,
kỹ năng liên quan đến cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và các
biện pháp phòng ngừa nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
2. Đối tượng: Người nghiện ma túy, gia đình
người nghiện ma túy, người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma
túy, cơ sở cai nghiện ma túy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác
phòng ngừa, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
3. Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2025.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động
- Thương binh và Xã hội với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc
nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và công tác phòng, ngừa nghiện ma
túy.
- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp,
các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, cán bộ,
đảng viên và quần chúng Nhân dân trong phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma
túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
- Giảm tác hại của sử dụng trái phép chất ma túy,
nghiện ma túy, hạn chế gia tăng người nghiện mới, góp phần nâng cao sức khỏe
Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tiểu dự án 1: Nâng cao hiệu
quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người
sau cai nghiện ma túy
- Trên 80% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý
được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị,
cai nghiện ma túy thích hợp và người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ dạy nghề,
việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Trên 80% cán bộ làm công tác quản lý nhà nước,
người trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai được tập huấn, đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
- Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển
khai ít nhất 01 mô hình cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy hiệu
quả, phù hợp.
- Cơ sở cai nghiện ma túy được đảm bảo điều kiện hoạt
động về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định tại Nghị định số
116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và
quản lý sau cai nghiện ma túy (sau đây viết tắt là Nghị định số
116/2021/NĐ-CP).
- Mỗi huyện, thị xã, thành phố đều đặt hàng, giao
nhiệm vụ cho ít nhất 01 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn
cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc
tư vấn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; quản lý người cai nghiện, người sau
cai nghiện ma túy. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cai nghiện
ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
2.2. Tiểu dự án 2: Phòng ngừa nghiện ma túy đối
với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy
- Trên 80% số người sử dụng trái phép chất ma túy
có hồ sơ quản lý được tiếp cận, cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa
nghiện ma túy.
- 100% các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy
xây dựng, tổ chức các hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi
làm việc, cộng đồng.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
1. Tiểu dự án 1: Nâng cao hiệu
quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người
sau cai nghiện ma túy
1.1. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao
năng lực cho công chức, người làm chuyên trách về cai nghiện ma túy, quản lý
sau cai và viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy; đơn vị sự
nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng
đồng
a) Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công
chức, người làm công tác quản lý về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện
cấp tỉnh, huyện, xã về công tác phòng, chống ma túy; chính sách, pháp luật về
phòng, chống ma túy; kiến thức cơ bản về ma túy, điều trị cai nghiện ma túy.
b) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho viên chức, người
lao động tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch
vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và người được giao nhiệm
vụ tư vấn, tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tại gia
đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy ở cấp xã về công tác
cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện; điều trị nghiện ma túy; tư vấn điều
trị nghiện ma túy; tiếp cận cộng đồng; sàng lọc, đánh giá và xây dựng kế hoạch
điều trị cá nhân cho người nghiện; sinh hoạt nhóm; quản lý ca, quản lý trường hợp
đối với người nghiện ma túy; công tác xã hội trong cai nghiện ma túy, quản lý
sau cai nghiện; kiến thức về điều trị rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp.
c) Cử cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của Cơ sở Cai
nghiện ma túy tỉnh tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về xác định
tình trạng nghiện ma túy; điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, phục hồi cho
người nghiện.
d) Tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho những
người trực tiếp chăm sóc người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
1.2. Xây dựng và triển khai các mô hình cai
nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy
a) Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, xây dựng
và triển khai ít nhất 01 mô hình cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma
túy hiệu quả, phù hợp với địa phương, trong đó có một số mô hình chính như sau:
- Hỗ trợ, tư vấn pháp lý, y tế và xã hội, chuyển gửi
đối với người nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án, hướng tới mô hình “Tòa
án hỗ trợ cai nghiện ma túy”.
- Hỗ trợ xã hội, cai nghiện tự nguyện tại gia đình,
cộng đồng tại những xã nghèo, huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi nhằm giúp người nghiện ma túy thoát nghèo, không bị dẫn đến
nghèo.
- Hỗ trợ dạy nghề, vay vốn tạo việc làm cho người
sau cai nghiện ma túy theo đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa bàn khác nhau
theo hướng phát triển sinh kế bền vững.
- Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị, cai
nghiện ma túy tại cộng đồng.
- Điều trị nghiện ma túy tổng hợp bằng các biện
pháp tư vấn, tâm lý - xã hội.
- Các mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến
binh, Đoàn Thanh niên... tham gia hỗ trợ, quản lý người nghiện ma túy, người
sau cai nghiện ma túy.
b) Các nội dung hoạt động để xây dựng và triển khai
mô hình cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
- Xây dựng các tài liệu, hướng dẫn tổ chức triển
khai thực hiện mô hình.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ Tòa án, Công an, Y tế,
Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung, cơ chế phối hợp, các kiến thức, kỹ
năng có liên quan đến việc triển khai mô hình.
- Tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình có hiệu
quả.
1.3. Nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới hoạt động
hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghiện ma túy
a) Triển khai rà soát, đánh giá cách thức tổ chức
đào tạo nghề cho người nghiện ma túy; các nghề được đào tạo cho người nghiện ma
túy; hiệu quả hoạt động lao động trị liệu sau đào tạo nghề; kết quả hỗ trợ người
nghiện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo.
b) Triển khai hướng dẫn đào tạo nghề cho người nghiện
ma túy phù hợp với đặc điểm trình độ của người nghiện ma túy, kinh tế - xã hội
của các vùng miền khác nhau.
1.4. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang
thiết bị, phương tiện, nhân sự đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập; đơn vị
sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng
đồng
a) Rà soát, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất,
trang thiết bị, phương tiện, nhân sự của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Tiếp tục
triển khai thực hiện hoàn thành Dự án đầu tư “Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng
cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Khánh
Hòa”. Đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh
đáp ứng theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
b) Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất,
trang thiết bị, phương tiện, nhân sự đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ
cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Đầu tư hoặc có giải pháp bảo
đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho đơn vị sự nghiệp công lập
cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đáp ứng
theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
1.5. Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ
thông tin trong việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, xây dựng đường dây
nóng tư vấn cai nghiện ma túy
a) Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin trong việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, quản lý người cai nghiện ma
túy, người sau cai nghiện ma túy.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc
quản lý người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong
cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, các dịch vụ công tác xã hội với người nghiện
ma túy.
- Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin cung
cấp các dịch vụ quản lý trường hợp, hướng dẫn, trợ giúp, chăm sóc người nghiện
ma túy, người sau cai nghiện ma túy từ xa, kết nối trực tuyến giữa người nghiện,
người sau cai nghiện ma túy, cán bộ hỗ trợ và cơ sở cung cấp dịch vụ.
b) Xây dựng đường dây nóng về tư vấn cai nghiện ma
túy.
- Xây dựng hệ thống đường dây nóng về tư vấn cai
nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
- Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý ý kiến phản
ánh của người dân qua tổng đài trực đường dây nóng về tư vấn cai nghiện ma túy.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ theo dõi việc tiếp nhận
và kỹ năng xử lý thông tin phản ánh qua tổng đài đường dây nóng để đảm bảo hiệu
quả của hoạt động đường dây nóng tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
1.6. Tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện có
hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cai nghiện ma túy và
quản lý sau cai nghiện ma túy
a) Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm
đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Kế hoạch số 152-KH/TU, ngày 28/10/2019 của
Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị
về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;
Thông báo số 497-TB/TU, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về Kết luận của Thường trực
Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày
16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống
và kiểm soát ma túy.
b) Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số
11183/KH-UBND ngày 08/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện
Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh
Hòa; Kế hoạch số 6754/KH-UBND ngày 22/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển
khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ trên địa
bàn tỉnh Khánh Hòa.
1.7. Triển khai đánh giá chất lượng, hiệu quả
công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
Tổ chức triển khai bộ chỉ số; tập huấn, hướng dẫn,
kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên
địa bàn tỉnh sau khi có hướng dẫn của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
2. Tiểu dự án 2: Phòng ngừa
nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất
ma túy
2.1. Tuyên truyền, phổ biến; tư vấn, giáo dục
về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy
a) Tuyên truyền, phổ biến chung
- Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về
các loại ma túy; hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; chính sách, pháp luật về
phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng, nội
dung thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, bao gồm:
+ Xây dựng các tài liệu, sổ tay, sách mỏng, các sản
phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản ấn phẩm và các sản
phẩm thông tin khác;
+ Tuyên truyền, phổ biến trên không gian mạng, như:
Đăng tải bài viết, video trên các website chính thống, trên các trang mạng xã hội.
+ Dán tờ rơi, pano, áp phích,... tại trường học, nơi
làm việc, cộng đồng; xây dựng quy chế và phổ biến tại trường học, nơi làm việc.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề tại
trường học, nơi làm việc, cộng đồng về ma túy, tác hại của ma túy; chính sách,
pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy; chính sách hỗ trợ người sử dụng trái
phép chất ma túy, nhóm người có nguy cơ cao đối với ma túy và các nội dung liên
quan khác.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp
luật về ma túy, phòng ngừa nghiện ma túy, tác hại của ma túy tại trường học,
nơi làm việc, cộng đồng theo nhiều hình thức phong phú, mới mẻ; các cuộc thi ý
tưởng sáng tạo về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên.
b) Giáo dục, tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối
với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy
- Thực hiện công tác tư vấn về tâm lý, giáo dục về
pháp luật phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên, người
lao động, người dân tại cộng đồng có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy; động viên,
giúp đỡ để người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các hoạt động cộng đồng,
hoạt động tự quản, hoạt động thể dục, thể thao....để nâng cao sức khỏe, kỹ năng
sống, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tổ chức các hội thảo về phòng ngừa nghiện ma túy
trong trường học, nơi làm việc, cộng đồng; thông tin về chính sách của trường học,
nơi làm việc.
- Tư vấn, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ để củng cố mối
quan hệ trong gia đình, tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào quá trình học tập
và giáo dục con; kỹ năng cho cá nhân (kỹ năng từ chối, kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng
phó với các tình huống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc,...).
- Phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn
thể trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức cho nhóm cha mẹ, người
thân của nhóm nguy cơ cao.
- Đánh giá, sàng lọc mức độ sử dụng trái phép chất
ma túy, thực hiện thông qua các buổi tư vấn, đánh giá riêng biệt hoặc kết hợp với
các chương trình sức khỏe khác như: Khám sức khỏe định kỳ; tư vấn, kết nối người
sử dụng trái phép chất ma túy với các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, xã hội, pháp
lý, học nghề, hỗ trợ việc làm,...
2.2. Đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho
người thực hiện công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma
túy
- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về phòng, chống
ma túy cho lãnh đạo nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng, là những người
đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục,
hỗ trợ, tư vấn về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy tại
nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng.
- Tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng sàng lọc,
đánh giá, tư vấn (tâm lý, y tế, pháp lý, xã hội,...) cho người trực tiếp làm
công tác phòng ngừa nghiện ma túy của nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng
đồng.
- Tập huấn về mô hình phòng ngừa sử dụng trái phép
chất ma túy, nghiện ma túy cho lãnh đạo và người trực tiếp làm công tác phòng
ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng.
2.3. Áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện
ma túy
a) Tổ chức đánh giá các điều kiện đảm bảo sự hình
thành và hoạt động của mô hình phòng ngừa nghiện ma túy tại địa phương.
b) Áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma
tuý tại địa phương với các nội dung chính, như sau:
- Tiếp cận người sử dụng trái phép chất ma túy, người
có nguy cơ cao với ma túy, tuyên truyền, vận động họ tham gia mô hình phòng ngừa
nghiện ma túy;
- Đánh giá, sàng lọc mức độ nguy cơ đối với chất ma
túy và tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy. Thực hiện thông qua các buổi
đánh giá, sàng lọc riêng biệt hoặc kết hợp với các chương trình sức khỏe khác
như khám sức khỏe định kỳ;
- Tư vấn cho người sử dụng trái phép chất ma túy,
người có nguy cơ cao với ma túy về phòng tránh nghiện ma túy, lựa chọn các dịch
vụ phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp;
- Tư vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến hành vi sử dụng
trái phép chất ma túy;
- Kết nối để người sử dụng trái phép chất ma túy,
người có nguy cơ cao tiếp cận được với các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, điều
trị nghiện tự nguyện, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, cơ sở dạy nghề, giới thiệu
việc làm.
c) Tổng kết, đánh giá, tuyên truyền, nhân rộng mô
hình phòng ngừa nghiện ma túy có hiệu quả.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước bảo
đảm theo khả năng cân đối, được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước
hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành
và các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác có liên quan và
các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa
phương triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì triển khai thực hiện các nội dung ở các mục
1.1, mục 1.3, điểm a mục 1.4, mục 1.5, mục 1.7 của Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án
2.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai mục 1.2 và điểm b mục 1.4
của Tiểu dự án 1.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá
việc triển khai thực hiện Dự án; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh Xã hội theo định kỳ (06 tháng và
hàng năm), đột xuất.
- Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực
hiện Dự án theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (hoặc Cục
Phòng, chống tệ nạn xã hội).
2. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực
hiện công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về điều trị nghiện ma túy, xác định
tình trạng nghiện theo các nội dung thuộc Tiểu dự án 1.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực
hiện công tác tuyên truyền phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma
túy trong trường học theo các nội dung thuộc Tiểu dự án 2.
4. Công an tỉnh
Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện mục 1.6 thuộc Tiểu dự
án 1.
5. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch thuộc
nguồn vốn sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị, địa phương lập cùng thời điểm xây
dựng dự toán hàng năm, Sở Tài chính phối hợp, cân đối theo khả năng ngân sách
tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để các đơn vị thực hiện đảm bảo theo
quy định.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí các nguồn vốn đầu
tư công thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai ít nhất 01
mô hình cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy hiệu quả, phù hợp
(theo nội dung tại mục 1.2 của Tiểu dự án 1).
- Thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho ít nhất 01
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai
nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Thực hiện đầu tư bảo đảm cơ sở
vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch
vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đáp ứng theo quy định tại
Điều 16 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (theo nội dung tại điểm b mục 1.4 của Tiểu
Dự án 1).
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
và các sở, ban, ngành có liên quan triển khai các nội dung của Dự án tại địa
phương.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án
“Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với
nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc Chương
trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đề
nghị các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương theo phân công
nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc,
các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương phản ánh về Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH (báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Công an tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các Phòng: NC, KT, XD-NĐ;
- Lưu: VT, TmN, NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thiệu
|