Kế hoạch 593/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 593/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2024
Ngày có hiệu lực 05/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hoàng Xuân Tân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 593/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 05 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/CT-TTG NGÀY 23/02/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TOÀN DIỆN, NHANH VÀ BỀN VỮNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới (sau đây gọi là Chỉ thị số 08/CT-TTg), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phát triển du lịch.

- Tập trung phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”, phấn đấu đến năm 2025, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; phát huy vai trò và mối quan hệ phối hợp giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.

- Kế hoạch phải được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, bám sát các chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch của trung ương, của tỉnh, nhất là Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị chủ động phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Xác định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ chung của các cơ quan, địa phương, đơn vị

1.1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Bình một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”.

1.2. Quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân theo tinh thần “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp”; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.

1.3. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và UBND các cấp trong việc chỉ đạo phát triển du lịch; tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác công - tư; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch.

2. Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh

Chỉ đạo và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tiễn, bảo đảm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy lợi thế phát triển du lịch. Kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý những khó khăn vướng mắc, đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tiễn.

3. Sở Du lịch

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (về thuế, đất đai, cơ chế phối hợp).

- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du lịch.

- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; phát triển đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm tại các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, phát triển các điểm đến du lịch đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù để thu hút và giữ chân khách du lịch.

- Tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đảm bảo đồng bộ với nội dung chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án phát triển các khu du lịch cấp tỉnh, huy động sự tham gia các doanh nghiệp, tổ chức để khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để hình thành động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.

- Chủ động rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Rà soát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên biệt cho từng phân khúc thị trường mục tiêu; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Quảng Bình có thế mạnh như: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng...

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ