Kế hoạch 59/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023

Số hiệu 59/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2023
Ngày có hiệu lực 08/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023 như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu yêu cầu chung

Năm 2023, tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình đề ra. Tập trung, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhất là địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đảm bảo để các xã, thôn thoát nghèo bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS &MN trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu giảm bình quân 3,0%/năm, có 05 xã thoát khỏi địa bàn ĐBKK (huyện Bắc Sơn: 01 xã; huyện Bình Gia 01 xã; huyện Văn Quan: 01 xã; huyện Lộc Bình: 01 xã; huyện Đình Lập: 01 xã); 24 thôn thuộc xã khu vực I, II thoát khỏi địa bàn thôn ĐBKK (huyện Bắc Sơn: 04 thôn; huyện Chi Lăng: 10 thôn; huyện Hữu Lũng: 02 thôn; huyện Đình Lập: 06 thôn: huyện Văn Lãng: 02 thôn).

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

2.1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

- Mục tiêu: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở bị dột nát, hư hỏng; sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định; có khó khăn về nước sinh hoạt. Ưu tiên hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo có chủ hộ là nữ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và địa bàn sinh sống.

- Chỉ tiêu cụ thể: thực hiện hỗ trợ đất ở cho 53 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 640 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 50 hộ; đầu tư 07 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 773 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 1.381 hộ.

2.2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

- Mục tiêu: hộ gia đình vùng đồng bào DTTS&MN được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

- Chỉ tiêu cụ thể: thực hiện hỗ trợ các dự án bố trí ổn định dân cư (đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tập trung; hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình; hỗ trợ cộng đồng bố trí dân xen ghép). Tiếp tục đầu tư 02 dự án tại huyện Tràng Định; 02 dự án tại huyện Chi Lăng; 02 dự án tại huyện Bình Gia; 01 dự án tại huyện Lộc Bình.

2.3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

2.3.1. Tiểu dự án 1: phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

- Mục tiêu: hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III, xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, III, xã ATK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán; tạo việc làm, tăng thu nhập từ nghề rừng, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần duy trì ổn định nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 65% vào năm 2025, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

- Chỉ tiêu cụ thể: thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: 26.900 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình: 73.670 ha; hỗ trợ khoanh nuôi có rừng trồng bổ sung: 646 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ: 6.000 ha; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ: 700 ha; trợ cấp trồng rừng cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ: 2.574 hộ.

2.3.2. Tiểu dự án 2: hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Nội dung số 01 (hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị):

+ Mục tiêu: hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng trong tỉnh; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

+ Chỉ tiêu cụ thể: các hộ nghèo, cận nghèo, các doanh nghiệp thuộc địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN được tạo việc làm nâng cao thu nhập; được hỗ trợ tập huấn kiến thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp,...

- Nội dung số 03 (thúc đẩy khởi sự kinh doanh khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN):

+ Mục tiêu: thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

+ Chỉ tiêu cụ thể: hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS; tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN.

2.4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc

a) Tiểu Dự án 1: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Mục tiêu: tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã ĐBKK, các thôn ĐBKK; đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 96,1% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông (174/181 xã); 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa (1.108/1.478 thôn); 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

- Chỉ tiêu cụ thể:

[...]