Kế hoạch 5844/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 98/NQ-CP và Chương trình hành động 57-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW "về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 5844/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2017
Ngày có hiệu lực 22/12/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Thanh Liêm
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5844/KH-UBND

Bình Dương, ngày 22 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 98/NQ-CP NGÀY 03/10/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 57-CTR/TU NGÀY 17/10/2017 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW, NGÀY 03/6/2017 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII “VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.

Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Căn cứ Chương trình hành động số 57-CTr/TU ngày 17/10/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH:

Trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện tốt và ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thông thoáng; cải cách hành chính được quan tâm thực hiện đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phương thức quản lý nhà nước được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký. Cụ thể, từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2017, tỉnh đã thu hút được 50.165 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 5.397 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký là 28.472 tỷ đồng (tăng 44,9% so với cùng kỳ); 1.016 doanh nghiệp điều chỉnh tăng 21.693 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ). Lũy kế đến 15/12/2017, toàn tỉnh có 30.781 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 236.214 tỷ đồng.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhằm quán triệt, triển khai Nghị quyết 98/NQ-CP, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, phối hợp của các cấp, các ngành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Tỉnh ủy.

2. Kế hoạch phải đảm bảo phù hợp và gắn kết với những chủ trương, định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII.

3. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể:

- Xây dựng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có từ 40.000 doanh nghiệp trở lên; đến năm 2025, có từ 60.000 doanh nghiệp trở lên và đến năm 2030, có từ 75.000 doanh nghiệp trở lên.

- Tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế chung của địa phương.

- Nâng cao năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

- Cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho thành phần kinh tế tư nhân, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

- Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế.

- Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất lao động.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, thu hút và phát triển nguồn nhân lực có trình độ trên địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng “Thành phố thông minh”; tập trung nâng cao các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo lộ trình nâng cấp đô thị Bình Dương đạt tiêu chí loại I trước năm 2020.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP; Nghị quyết số 35/NQ-CP. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

2. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao:

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; thực hiện Luật Quy hoạch theo hướng tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, minh bạch thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết thông qua mức hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]