Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2014 triển khai Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 08/05/2014
Ngày có hiệu lực 08/05/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 05 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA LẠM DỤNG ĐỒ UỐNG CÓ CỒN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ “VChính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể sau:

1. Đơn vị rượu là đơn vị đo lường dùng để quy đổi rượu, bia và đồ uống có cồn khác với nồng độ khác nhau, tương đương với 10 grams etanol nguyên chất chứa trong dung dịch uống (khoảng 2/3 chai bia 500ml hoặc 01 lon bia 330ml 5%, 01 cốc bia hơi 330ml, 01 ly rượu nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, 01 chén 30ml rượu mạnh 40-43%).

2. Lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác là việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác với mức độ, liều lượng, đối tượng không thích hợp dẫn đến sự biến đổi về chức năng của cơ thể hoặc xuất hiện dấu hiệu về lâm sàng ảnh hưởng có hại đến sức khỏe người sử dụng (trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 14 đơn vị rượu/tuần, hơn 2 đơn vị rượu/ngày, hơn 1/2 đơn vị rượu/giờ; người dưới 60 tuổi uống hơn 21 đơn vị rượu/tuần, hơn 3 đơn vị rượu/ngày, hơn 1 đơn vị rượu/giờ) hoặc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong trường hợp pháp luật nghiêm cấm.

3. Tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác làm ảnh hưởng có hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe của người sử dụng, gia đình, cộng đồng và kinh tế-xã hội.

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung:

Phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe của cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2020, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác;

b) Giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường;

c) Giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành (15 tuổi trở lên)/năm quy đổi theo rượu nguyên chất từ 12,1% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 10% giai đoạn 2013 - 2016 và 6,5% giai đoạn 2017 - 2020;

d) Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong lực lượng vũ trang không sử dụng bia, rượu và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực;

đ) Phòng ngừa người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác;

e) Đến năm 2016, 70% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác và 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 80% và 60%;

g) Đến năm 2016, 30% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện và tái nghiện tại cộng đồng, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 50%, 40% và 40%.

3. Yêu cầu:

Triển khai đồng bộ các giải pháp trong toàn tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng đến các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, quản lý, vận chuyển, tiêu thụ nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác:

a) Kiểm soát việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác:

- Tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày, ngày trực và đưa nội dung quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tổ chức, giám sát việc thực hiện.

- Tăng cường biện pháp phòng ngừa người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người đang có bệnh lý sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Hạn chế, tiến tới không sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác điều khiển phương tiện giao thông.

- Chính quyền địa phương tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hộ gia đình không nấu rượu; gia đình và khu dân cư không có người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

b) Kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu, bia và đồ uống có cồn khác:

- Tăng cường kiểm tra thực hiện và xử lý vi phạm quy định cấm quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

[...]