Kế hoạch 5658/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu | 5658/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/08/2021 |
Ngày có hiệu lực | 10/08/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Đặng Trí Dũng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5658/QĐ-UBND |
Lâm Đồng, ngày 10 tháng 8 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ TRONG CÁC VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ Ở CÁC CẤP HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.
Xét Tờ trình số 222/TTr-SNV ngày 31/3/2021 của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh (sau gọi là Chương trình) với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp; phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; đảm bảo đạt tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan hành chính nhà nước; phát huy vai trò phụ nữ trong hoạch định chính sách và tăng cường hiệu quả công tác bình đẳng giới ở các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch này đến các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện thuận lợi để nữ cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường trong mọi lĩnh vực công tác.
II. MỤC TIÊU
1. Đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
2. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị.
3. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
4. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
5. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ:
a) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về cơ cấu nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp ở các ngành, các cấp; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chỉ tiêu bình đẳng giới đối với công tác cán bộ nữ.
b) Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các ngành, các cấp phải rà soát tiêu chí bình đẳng giới theo quy định.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ các chỉ tiêu về bình đẳng giới đối với công tác bố trí, bổ nhiệm cán bộ nữ của các ngành và địa phương.
2. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan tham mưu thực hiện chính sách:
a) Các ngành, các cấp nghiên cứu, xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ nữ dân tộc thiểu số của cơ quan, đơn vị mình trong từng giai đoạn cụ thể. Hàng năm, rà soát chỉ tiêu về bình đẳng giới và có phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với cán bộ nữ phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch theo kế hoạch này. Công tác quy hoạch, đề bạt cần phải công khai, minh bạch với tinh thần dân chủ để tạo điều kiện cho cán bộ nữ có định hướng phấn đấu.
b) Tổ chức đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ để xây dựng chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch phù hợp đối với đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp theo từng chức danh lãnh đạo, quản lý. Hàng năm, rà soát chỉ tiêu cán bộ nữ được quy hoạch đề cử tham gia các khóa đào tạo theo tiêu chuẩn vị trí chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ.
c) Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ nữ, công chức lãnh đạo, quản lý được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao; chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực để cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở.
d) Nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm các mô hình vườn ươm lãnh đạo nữ trẻ cho cán bộ, công chức và sinh viên tại cơ sở đào tạo để tạo nguồn lãnh đạo nữ. Rà soát, đề nghị bổ sung hoặc ban hành các chính sách riêng dành cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ cán bộ dân tộc thiểu số ở các vị trí công tác của các ngành, các cấp.
đ) Xây dựng mạng lưới, nhóm phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động kết nối nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ.
3. Truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới:
a) Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ.