Kế hoạch 221/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu | 221/KH-UBND |
Ngày ban hành | 20/04/2021 |
Ngày có hiệu lực | 20/04/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Bùi Đình Long |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 221/KH-UBND |
Nghệ An, ngày 20 tháng 4 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ TRONG CÁC VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ Ở CÁC CẤP HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” (sau đây gọi tắt là Chương trình), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện. Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện Chương trình.
2. Khắc phục những hạn chế, tồn tại về việc thực hiện sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, góp phần từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN
1. Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị.
2. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
3. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
4. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ.
Rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách; có chính sách đặc thù để đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới.
2. Đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan hoạch định chính sách các cấp.
a) Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ nữ để phục vụ cho việc xây dựng chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ.
b) Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.
c) Tạo nguồn nữ cán bộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ nâng cao năng lực để cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan của nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở các ngành, địa phương.
d) Triển khai các mô hình vườn ươm lãnh đạo nữ trẻ cho cán bộ, công chức và sinh viên các cơ sở đào tạo để tạo nguồn lãnh đạo nữ.
e) Xây dựng mạng lưới, nhóm phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động kết nối nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ.
3. Truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới.
a) Tăng cường truyền thông về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác với các tổ chức để triển khai các hoạt động truyền thông liên quan đến công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
c) Tổ chức các hoạt động tôn vinh các tấm gương tốt, điển hình về lãnh đạo nữ thành công ở cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm tạo dư luận xã hội ủng hộ phụ nữ tham gia lãnh đạo.
4. Tăng cường các hoạt động giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước về sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý; huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện Chương trình.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức nữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ngành, địa phương; nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật ngân sách nhà nước và đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.