Kế hoạch 550/KH-UBND năm 2023 về kế hoạch triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng (MSVT) lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030

Số hiệu 550/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2023
Ngày có hiệu lực 24/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 550/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CẤP, QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG (MSVT) LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2030

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

1.1. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Luật Trồng trọt năm 2018;

- Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

- Căn cứ Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc;

- Căn cứ Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng; Công văn số 6234/BNN-TT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng;

- Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

1.2. Cơ sở thực tiễn

Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên 650.926,92 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 378.286,18 ngàn ha (chiếm 58,12% diện tích tự nhiên); đặc biệt, hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.700 km2, chiếm 72% diện tích tự nhiên của tỉnh, cùng với địa hình bát úp xen kẽ những khe suối, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng đặc trưng cho nông sản Đắk Nông[1]. Trong tương lai gần, Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng sẽ trở thành vùng trọng điểm về phát triển một số ngành hàng cây công nghiệp, cây ăn quả đặc sản (như bơ, sầu riêng, xoài, mít, mắc ca, chanh dây,...) và rau củ quả. Đông thời, tỉnh Đăk Nông còn có nhiêu dư địa để phát triển chế biến, dịch vụ logicstic và liên kết vùng.

Toàn tỉnh có trên 130 chủng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau; trong đó, tỉnh đã xác định được 04 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều) và 19 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương[2]. Cùng với các tỉnh ở vùng Tây Nguyên được mệnh danh là thủ phủ của cả nước về sản xuất cà phê và hồ tiêu; trong đó, Đắk Nông chiếm gần 19% sản lượng cà phê và khoảng 27% sản lượng hồ tiêu của vùng và của cả nước.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, yêu cầu về vùng trồng cho các loại hàng hóa được đăng ký và kiểm soát là điều kiện tiên quyết đầu tiên, cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn chặt sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn nhất định, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất sản phẩm chất lượng và nâng cao giá trị.

Do đó, để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu về sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với thị trường tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy Đắk Nông; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cấp, quản lý mã sổ vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030.

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trong tình hình mới.

- Thiết lập MSVT cho các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Cấp Mã số vùng trồng (gọi tắt MSVT): Phấn đấu đến năm 2030, triển khai cấp khoảng 648 MSVT cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương với tổng diện tích 9.928,17 ha. Trong đó, ưu tiên cấp 148 MSVT cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), vùng nguyên liệu với diện tích 7.428,17 ha (cụ thể: 08 MSVT lúa, diện tích 638,77 ha; 04 MSVT đậu các loại, diện tích 100 ha; 04 MSVT ngô, diện tích 200 ha; 14 MSVT cây ăn quả, diện tích 430 ha; 61 MSVT Cà phê, diện tích 3.250 ha; 26 MSVT Hồ tiêu, diện tích 1.749 ha; 07 MSVT Điều diện tích 200 ha; 07 MSVT Mắc ca, diện tích 350 ha; 04 MSVT dược liệu, diện tích 150 ha; 03 MSVT Chanh dây diện tích 100 ha; 9 MSVT rau các loại diện tích 250 ha; 01 MSVT Khoai lang diện tích 10 ha). Ngoài ra, cấp khoảng 500 MSVT cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ với diện tích khoảng 2.500 ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương (chi tiết theo Phụ lục I kèm theo).

- Tập huấn, tuyên truyền: Đến năm 2030, hoàn thành 18 lớp tập huấn, tập huấn tuyên truyền cho khoảng 800 người (nông dân, cán bộ quản lý, cán bộ hợp tác xã,...) về việc cấp, duy trì mã số vùng trồng, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại các huyện và thành phố Gia Nghĩa; xây dựng 02 chuyên mục, phóng sự tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông với nội dung cấp, quản lý, giám sát mã số vùng trồng.

- Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu MSVT: 100% thông tin MSVT được cấp tích hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý mã số vùng trồng trực tuyến quốc gia (tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn).

- Giám sát mã số vùng trồng: 100% vùng trồng sau khi được cấp mã số đều được giám sát ít nhất 1 lần/năm.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

3.1. Nội dung thực hiện

3.1.1. Khảo sát, đánh giá, xác định vùng trồng

- Thu thập thông tin vùng trồng: Xác định tọa độ vùng trồng, tình hình dịch hại tại địa phương trong 5 năm; việc tuân thủ các quy định ATTP của nhà nước; kiểm tra sơ bộ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; việc triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.

- Lấy mẫu đất, mẫu nước (đối với các vùng trồng chưa kiểm tra đánh giá) để phân tích, kiểm tra, đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ