Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 55/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2022
Ngày có hiệu lực 28/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Hùng Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Hưng yên, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Kết luận số 227-KL/TU ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hưng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 02/11/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định được các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 02/11/2021 (sau đây gọi tắt là Đề án), nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án. Trong đó ưu tiên tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này đến các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

- Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời tham mưu thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Khai thác, lồng ghép mọi nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nhằm phát huy hết năng lực thiết kế của công trình, bảo đảm chỉ tiêu về tỷ lệ tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn hợp vệ sinh, đạt tiêu chí về nông thôn mới, tiêu nước phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế, xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Về thủy lợi: 100% công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm đủ năng lực, an toàn khi hoạt động. Nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thủy lợi đối với yêu cầu phát triển nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường nước, cụ thể: Đáp ứng nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; chủ động tưới cho 100% diện tích trồng lúa 2 vụ, với mức đảm bảo tưới 85%. Đảm bảo tiêu nước phục vụ nông nghiệp với tần suất từ 5% đến 10%; đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát nước phục vụ dân sinh, đô thị, công nghiệp, các ngành kinh tế khác và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Rà soát, xây dựng thí điểm một số công trình thủy lợi cấp nước tiên tiến (cấp nước có áp lực) cho cây trồng cạn.

- Về nước sạch: Đến năm 2025, 100% hộ dân nông thôn và thành thị được sử dụng nước sạch; đến năm 2025 chuyển 30%, năm 2030 chuyển 70% nhà máy khai thác từ nguồn nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt sông Hồng, sông Luộc.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Về thủy lợi:

a) Đánh giá hệ thống công trình thủy lợi:

- Điều tra, cập nhật hiện trạng, đánh giá năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi; phương thức quản lý, khai thác, năng lực của đội ngũ quản lý; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống và năng lực quản lý của bộ máy quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi phù hợp, hiệu quả.

- Triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch chi tiết thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

b) Rà soát, xây dựng phương án phát triển thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp:

- Rà soát, xây dựng phương án phát triển hệ thống thủy lợi và cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường kiểm soát chất lượng nước, cấp nước chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho khu vực nuôi trồng thủy sản chuyên canh.

- Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung giai đoạn 2020-2025; đánh giá nguồn nước tưới cho cây trồng cạn, đề xuất các giải pháp cấp nước tưới theo phương pháp tiên tiến, tiết kiệm nước.

c) Hoàn thiện thể chế, chính sách:

- Nghiên cứu, rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về quản lý khai thác công trình thủy lợi; cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Từng bước chuyển dịch vai trò của Nhà nước từ cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, điều phi, giám sát thực hiện, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

[...]