Kế hoạch 5483/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 38-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 5483/KH-UBND
Ngày ban hành 04/11/2023
Ngày có hiệu lực 04/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Bùi Xuân Cường
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5483/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 38-CTRHĐ/TU NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 2023 VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT, TẠO ĐỘNG LỰC ĐƯA NƯỚC TA TRỞ THÀNH NƯỚC PHÁT TRIỂN CÓ THU NHẬP CAO

Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 38-CTrHĐ/TU ngày 04 tháng 4 năm 2023 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng đất cũng như của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý và sử dụng đất đai, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.

Nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nội dung đổi mới cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm huy động tốt nhất nguồn lực to lớn từ đất đai để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố. Tạo ra sự chuyển biến tích cực trong quản lý sử dụng đất công của các cơ quan quản lý nhà nước.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Về thể chế: nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời rà soát, ban hành các quy định phù hợp với chính sách, pháp luật và thực tiễn thành phố về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đất đai.

Về nguồn lực đất đai: quản lý, khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại đế đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và căn bản về quản lý đất đai, bảo đảm tài nguyên đất đai được quản lý chặt chẽ theo pháp luật, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về thị trường: Xây dựng thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2023:

- Hoàn thành tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đi đôi với đề xuất, kiến nghị bổ sung các cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đất đai và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI.

- Hoàn thành Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030; Kế hoạch sử dụng đất 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thời kỳ 2021 - 2030 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2025:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền phù hợp theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

- Hoàn thành cơ sở dữ liệu bản đồ địa chính đồng bộ với hồ sơ, cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp; xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính Thành phố Hồ Chí Minh. Đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai.

- Hoàn tất việc áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu vệ giá đất phục vụ cho công tác định giá đất và xây dựng bảng giá các loại đất. Tổ chức công khai, minh bạch về giá đất.

- Tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý sử dụng, đất do các cơ quan Trung ương quản lý; đất đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện dự án; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích.

Đến năm 2030:

- Cơ bản hoàn thành việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tra cứu thông tin đất đai bằng hệ thống điện tử và mạng Internet.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đất đai toàn ngành từ thành phố đến cơ sở, kịp thời thể chế hóa văn bản, đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố.

- Khắc phục đồng bộ tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ.

[...]