Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Số hiệu 54/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2017
Ngày có hiệu lực 03/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phan Đình Phùng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Phú Yên, ngày 03 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh ( sau đây gọi tắt là Kế hoạch ) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị, chất lượng cao nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Phú Yên với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

- Tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả sự nghiệp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, phát thanh và truyền hình, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển về số lượng và chất lượng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao phục vụ nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng của người dân và xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Phú Yên.

2. Mục tiêu chủ yếu

a) Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020

- Tập trung phát triển một số ngành, nghề có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, phát thanh và truyền hình, du lịch văn hóa.

- Định hướng và từng bước phát triển các ngành: điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, thời trang, kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

b) Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030

- Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền về nội dung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

b) Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các ngành công nghiệp văn hóa:

- Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan; các chính sách ưu đãi về thuế, vốn, đất đai, chế độ ưu đãi đối với lực lượng văn nghệ sĩ…

- Rà soát lại cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong công tác quản lý đối với các ngành công nghiệp văn hóa.

- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa.

- Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

c) Triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa; có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với một số lĩnh vực đặc thù.

d) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống (in ấn, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, triển lãm…).

đ) Có các chính sách ưu đãi, thu hút hỗ trợ đầu tư, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của tỉnh như: Nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, quảng cáo, phát thanh và truyền hình, du lịch văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của các tổ chức hội nghề nghiệp trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

[...]