Kế hoạch 52/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện mội trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2017
Ngày có hiệu lực 28/02/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Hà Giang, ngày 28 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2017/NQ-CP NGÀY 06/02/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện mội trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (Nhiệm kỳ 2016-2020); Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hai năm 2016 - 2017; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các cấp, các ngành cố gắng phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, luôn song hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện tốt các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trường; các chính sách của Trung ương, của Tỉnh. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, đã thu hút một số dự án lớn vào tỉnh; tập trung rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; cắt giảm thời gian thực hiện, như: giảm thời gian thực hiện khởi sự doanh nghiệp, thủ tục nộp thuế, đăng ký, khai thuế; tiếp cận điện năng; cấp phép xây dựng; thông quan hàng hóa qua biên giới. Hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành công việc trên mạng vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử có bước phát triển mang tính đột phá.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với vốn vay, đất đai. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt nên việc giải quyết các thủ tục hành chính còn chưa đồng bộ; tác động của việc thực thi Nghị quyết đến thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn chậm.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Cụ thể hóa các nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; Xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thân thiện, an toàn và minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hanh chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phấn đấu cải thiện các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo cam kết giữa tỉnh Hà Giang với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kết hợp với khắc phục và cải thiện nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực liên quan trực tiếp đối với người dân và doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Cải cách hành chính thuế trên 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.

- Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp 03 ngày làm việc; giảm 30% trở lên thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 164 giờ/năm (trong đó thuế là 115 giờ và bảo hiểm là 49 giờ).

- Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới so với quy định chung:

Năm 2017: Đối với hàng hóa xuất khẩu tối đa 56 giờ = 07 ngày (chỉ tiêu của Chính phủ: 70 giờ ≈ 09 ngày); hàng hóa nhập khẩu tối đa 80 giờ = 10 ngày (chỉ tiêu của Chính phủ: 90 giờ ≈ 11 ngày). Phấn đấu giải quyết thủ tục thông quan từ 150-180 xe container/ngày (đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa thuộc luồng xanh tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy), bình quân từ 2,5 - 03 phút/phương tiện.

Đến năm 2020: Đối với hàng hóa xuất khẩu dưới 33 giờ (Tổng cục Hải quan 36 giờ, của Chính phủ 60 giờ), hàng hóa nhập khẩu 38 giờ (Tổng cục Hải quan 41 giờ, của Chính phủ 80 giờ); giải quyết thủ tục thông quan qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy từ 220 xe container/ngày trở lên (đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa thuộc luồng xanh).

- Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày làm việc.

- Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng còn 7 ngày làm việc (quy định của Trung ương là 30 ngày làm việc).

- Thực hiện hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo dụng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2.300 doanh nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dõi, giám sát đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.

Cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, theo dõi đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tổ chức thực hiện và rà soát các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư gắn với sử dụng đất, xây dựng và môi trường; tổng hợp những bất cập, vướng mắc để đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

[...]