Kế hoạch 50/KH-UBND thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, năm 2024

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2024
Ngày có hiệu lực 06/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 06 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỰC PHẨM THIẾT YẾU CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025, NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc;

Căn cứ Công văn số 4320/VPCP-KGVX ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, năm 2024 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

b) Nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hỗ trợ việc áp dụng hệ thống TXNG; từ đó giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thêm công cụ trong việc kiểm soát chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động ứng dụng các hệ thống TXNG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

d) Công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường thông qua hoạt động kết nối thông tin truy xuất nguồn gốc từ các hệ thống TXNG của các ngành, lĩnh vực; đồng thời từng bước kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho các đối tượng tham gia, nhằm giúp các đối tượng thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, quy định của dự án; tiếp nhận đăng ký tham gia dự án của các đối tượng.

b) Vận hành hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại đến người tiêu dùng (quản lý heo được vận chuyển từ cơ sở chăn nuôi, đến cơ sở giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, bếp ăn và tới tay người tiêu dùng).

c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

b) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

c) Đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch để tiêu thụ hàng ngày.

d) Góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

2. Mục tiêu cụ thể

Dự kiến truy xuất khoảng 1.200 con heo/01 ngày/đêm, áp dụng tại các đầu mối sau đây và dựa trên thực tế cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện tại các cơ sở đã triển khai trong những năm trước.

- Đối với chợ bán lẻ: Dự kiến số chợ truyền thống được kiểm soát là 16 chợ (tăng thêm 04 chợ so với năm 2023), mỗi chợ chọn ra 03 sạp tiêu biểu đăng ký tham gia và cam kết bán 100% thịt heo có TXNG.

- Cơ sở giết mổ: Dự kiến số cơ sở giết mổ thực hiện là 20 cơ sở (tăng thêm 08 cơ sở so với năm 2023).

- Siêu thị: Dự kiến số siêu thị tham gia, thực hiện là 06 siêu thị (tăng thêm 04 siêu thị so với năm 2023).

[...]