ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4937/KH-UBND
|
Hải Dương, ngày
25 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI
DƯƠNG, GIAI ĐOẠN 2023-2025
Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ
trình số 130/TTr-SYT ngày 19/12/2023 về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống rối
loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2023 - 2025 và kết
quả xin ý kiến các thành viên UBND tỉnh tại Công văn số 1077/VP-KGVX ngày
20/12/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về việc cho ý kiến Dự thảo Kế hoạch phòng,
chống rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Hải Dương ban
hành Kế hoạch phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Hải
Dương, giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau:
I. CĂN CỨ
PHÁP LÝ
- Quyết định số 1929/QĐ-TTg
ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội
và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm
trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày
29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng,
chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025;
- Quyết định số 4293/QĐ-BYT
ngày 19/9/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, kết
luận giám định pháp y tâm thần đối với 70 bệnh rối loạn tâm thần và hành vi thường
gặp;
- Quyết định số 2057/QĐ-BYT
ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chăm
sóc sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19”;
- Quyết định số 2058/QĐ-BYT
ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn
đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp”;
- Quyết định số 2254/QĐ-BYT
ngày 07/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ công cụ phát hiện sớm rối loạn
phổ tự kỷ ở trẻ em;
- Quyết định số 4485/QĐ-BYT ngày
20/9/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định
số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương
trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và
người rối nhiễm tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;
- Thông tư số 17/2022/TT-BYT
ngày 30/12/2022 của Bộ Y tế về việc quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm
thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Kế hoạch số 3235/KH-UBND ngày
01/9/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục
hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa
vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021-2030.
II. THỰC TRẠNG
HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN
1. Thông
tin cơ bản về sức khỏe tâm thần
Theo Tổ chức Y tế Thế giới sức
khỏe tâm thần là tình trạng khỏe mạnh trong đó mỗi cá nhân nhận thức được khả
năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường của cuộc sống,
có thể làm việc hiệu quả, sinh lợi và có thể tham gia, đóng góp cho cộng đồng.
Rối loạn tâm thần (sau đây viết tắt là RLTT) bao gồm các tình trạng về
tâm lý, với các triệu chứng khác nhau, tuy nhiên thường được đặc trưng bởi sự kết
hợp của những bất thường về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ với
người khác1. RLTT được đặc trưng bởi sự rối loạn
đáng kể về mặt lâm sàng trong nhận thức, điều chỉnh cảm xúc hoặc hành vi của một
cá nhân. Tình trạng sức khoẻ tâm thần là một thuật ngữ rộng hơn bao gồm các
RLTT, khuyết tật tâm lý xã hội và (các) trạng thái tâm thần khác liên quan đến
tình trạng đau khổ nghiêm trọng, suy giảm chức năng hoặc nguy cơ tự làm hại bản
thân2. Bệnh tâm thần được định nghĩa là “tập hợp
các thể RLTT có thể chẩn đoán” hoặc là các tình trạng sức khỏe đặc trưng bởi sự
thay đổi trong suy nghĩ, tính khí, hoặc hành vi, kết hợp với sự đau khổ và/hoặc
chức năng bị khiếm khuyết3. Các RLTT và hành vi
bao gồm 100 loại bệnh khác nhau, được phân loại từ F00 đến F99 theo Bảng phân
loại quốc tế về bệnh tật lần thứ 10 (ICD-10)4.
Tại Việt Nam, khái niệm người
tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễm tâm trí là những người có vấn đề sức
khỏe tâm thần, gồm: tâm thần phân liệt, chứng động kinh, tổn thương não, chậm
phát triển trí tuệ, nghiện chất kích thích, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động
giảm chú ý, người bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý (là nạn nhân của sự
xâm hại, của bạo lực gia đình và học đường), người khuyết tật dạng tâm thần
kinh, tâm thần khác5.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt
Nam đang đối mặt với tình trạng các rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Tỷ
lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2% dân số
(tương đương 15 triệu người), trong đó tỉ lệ tâm thần phân liệt (0,47%), động
kinh (0,33%), trầm cảm, lo âu (5,4%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí
tuổi già (0,88%), rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu
(5,3%), ma túy (0,3%),... Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87/100.000 dân6. Theo UNICEF, có khoảng 15-30% thanh thiếu niên ở
Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần7.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân gây
ra các RLTT là sự kết hợp phức tạp và thay đổi theo từng cá nhân và thể RLTT cụ
thể, đôi khi rất khó xác định. Một số nguyên nhân thường gặp như: di truyền,
nhân cách (đặc biệt với nhân cách yếu, không cân bằng, kém chịu đựng, khép
kín,…), lứa tuổi (ở trẻ em liên quan đến stress, rối loạn nhân cách, đặc biệt
tuổi dậy thì dễ bộc lộ bệnh tâm thần phân liệt; ở người già dễ bị các RLTT thực
tổn), giới tính (nam gặp nhiều loạn thần do rượu, chấn thương sọ não; nữ gặp
nhiều rối loạn phân ly, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn trầm cảm, đặc biệt
gặp nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt, sinh đẻ, mãn kinh), tình trạng toàn thân
(gặp sau mất ngủ kéo dài, thiếu dinh dưỡng lâu ngày, làm việc quá sức), tổn
thương thực thể (chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thần kinh, u não, áp xe
não, teo não,…), rối loạn tâm lý sau stress, ngược đãi, lạm dụng, các yếu tố
văn hóa, xã hội và cấu tạo thể chất bất thường, các thể tâm thần bệnh lý8,…
2. Kết quả
hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh
Hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm
thần, giai đoạn 2016-2020 là một trong các hoạt động thuộc Chương trình mục
tiêu Y tế - Dân số được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số
1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 và được bố trí kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân
sách nhà nước theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/0018 của Bộ Tài chính
Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu
Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Theo báo cáo giai đoạn này Bệnh viện Tâm thần
đã thực hiện khám chữa bệnh cho 236.064 lượt cho người mắc các RLTT, duy trì việc
cấp thuốc điều trị 01 lần/tháng cho 2.669 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 2.249
bệnh nhân động kinh tại 235/235 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ bệnh nhân được điều
trị ổn định đạt 98%9.
Năm 2023, theo báo cáo của Sở
Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương số lượng người được xác định
khuyết tật về thần kinh là 6.935 người10. Tuy
nhiên, số lượt người mắc các RLTT được chẩn đoán, điều trị tại cơ sở y tế là
4.391 lượt người. Hiện số người mắc bệnh tâm thần phân liệt, động kinh được quản
lý, cấp phát thuốc hàng tháng tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn lần lượt là
2.029 người (giảm 34,6% so với năm 2015, giảm 15,1% so với năm 2022) và 1.965
người (giảm 12,3% so với năm 2015, giảm 6,8% so với năm 2022). Trong năm Bệnh
viện Tâm thần đã tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho 66.628 lượt người bệnh tại cộng
đồng.
Một số nguyên nhân làm giảm tỷ
lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt, động kinh tại cộng đồng trong thời gian qua là
do người bệnh được phát hiện sớm, chăm sóc điều trị kịp thời; duy trì hoạt động
quản lý điều trị, tư vấn, phục hồi chức năng hàng tháng tại Trạm Y tế và gia
đình; bệnh nhân được cấp phát thuốc miễn phí tại Trạm Y tế; tỷ lệ người bệnh
dùng thuốc điều trị liên tục kéo dài (trên 7 năm) cao; người bệnh tuân thủ điều
trị tốt; tỷ lệ hồi phục chức năng ngày càng được cải thiện; tỷ lệ tái phát bệnh,
tỷ lệ tàn phế mạn tính giảm (từ năm 2020 tỷ lệ tái phát bệnh tâm thần phân
liệt dao động từ 0,47%-0,96%, tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân động kinh dao động từ
1,04% - 2,73%; tỷ lệ tàn phế mạn tính giảm xuống < 15% đối với người bệnh
tâm thần phân liệt và < 20% đối với người bệnh động kinh); có sự hỗ trợ,
phối hợp từ phía gia đình người bệnh và cán bộ y tế,...
Hiện nay, 100% trạm y tế xã,
phường, thị trấn triển khai hoạt động quản lý người bệnh tâm thần phân liệt,
người bệnh động kinh, người bệnh trầm cảm. Việc cấp phát thuốc điều trị tâm thần
miễn phí cho người bệnh tại các Trạm Y tế tuyến xã đã góp phần không nhỏ vào kết
quả triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng
trên địa bàn toàn tỉnh. Chi phí quản lý điều trị ngoại trú tại cộng đồng bình
quân là 20.000 đồng/01 người bệnh/01 tháng, thấp hơn nhiều so với chi phí điều
trị nội trú tại bệnh viện là 6,6 triệu đồng/01 người bệnh/01 tháng.
3. Thực trạng
hoạt động của các cơ sở y tế khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần
Toàn tỉnh hiện nay có 04 bệnh
viện tuyến tỉnh có chức năng chẩn đoán, điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần,
gồm Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh (Khoa Thần kinh), Bệnh
viện Nhi (Khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền), Bệnh viện
Phục hồi chức năng (Khoa Nội - Nhi). Trong đó, Bệnh viện Tâm thần là bệnh viện
chuyên khoa tuyến cuối của tỉnh, khám chữa bệnh cho những người mắc các bệnh
tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, chứng
chán ăn tâm thần, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn
tâm thần do rượu hoặc ma túy,..) và những người mắc các chứng, bệnh thần kinh
thường gặp (động kinh, Alzheimer, sa sút trí tuệ, đau nửa đầu,…). Các bệnh viện,
Trung tâm y tế tuyến huyện chủ yếu điều trị các chứng, bệnh thần kinh hoặc phục
hồi chức năng cho người trẻ em tự kỷ, người mắc các tổn thương về não,…do không
tuyển dụng, đào tạo được bác sỹ chuyên khoa tâm thần11.
Việc quản lý, điều trị bệnh
nhân tâm thần phân liệt và động kinh hiện nay nhằm mục tiêu giảm tái phát bệnh,
giảm nguy cơ tiến triển thành mạn tính, giảm suy nghĩ và các hành vi tiêu cực của
người bệnh. Quy trình quản lý, điều trị người bệnh được thực hiện nghiêm ngặt,
kết hợp với theo dõi, quản lý và tăng cường sự trao đổi, phối hợp giữa người bệnh,
gia đình người bệnh và nhân viên y tế, cụ thể: Bệnh nhân sau khi được chẩn
đoán, điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần sẽ được chuyển tuyến về quản lý,
theo dõi, điều trị tại các Trạm Y tế tuyến xã. Hàng tháng cán bộ y tế của Bệnh
viện Tâm thần xuống khám, hoàn thiện hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc cho người bệnh
tại Trạm Y tế. Trạm Y tế tuyến xã tổng hợp thuốc gửi Trung tâm Y tế tuyến huyện
và nhận thuốc từ Trung tâm Y tế tuyến huyện về cấp phát cho người bệnh. Trung
tâm Y tế tuyến huyện là đơn vị quản lý danh sách, kiểm tra, giám sát hoạt động;
tổng hợp nhu cầu thuốc trên địa bàn, đề xuất với Bệnh viện Tâm thần; nhận và cấp
phát thuốc xuống Trạm Y tế tuyến xã.
Bệnh viện Tâm thần Hải Dương hiện
được giao 250 giường kế hoạch (thực kê là 477 giường), số nhân viên y tế hiện
có tại bệnh viện là 197 người, trong đó có 32 bác sỹ được bố trí làm việc tại
13 khoa, phòng chức năng. Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh hàng ngày trung
bình đạt gần 150 lượt. Số lượng người bệnh điều trị nội trú trung bình 350 bệnh
nhân/ngày trở lên. Bệnh nhân khám chữa bệnh tại bệnh viện được đảm bảo chế độ
chăm sóc, điều trị, dinh dưỡng theo đúng hướng dẫn chuyên môn và thanh toán chi
phí khám chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Đối với người bệnh động
kinh và tâm thần phân liệt thường trú tại các địa phương trong tỉnh sau thời
gian điều trị nội trú ổn định tại bệnh viện được chuyển tiếp về theo dõi, quản
lý, điều trị tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
4. Một số vấn
đề bất cập, khó khăn hiện nay
- Mặc dù đã có sự tiến bộ về nhận
thức của xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhưng vẫn có một bộ phận
người dân có quan niệm sai, mặc cảm, kỳ thị. Vì vậy, khi người nhà, người thân
bị bệnh vẫn giấu không đi chữa trị hoặc chữa trị bằng phương pháp thiếu khoa học,
mê tín làm cho người bệnh tâm thần được phát hiện, quản lý, điều trị thấp hơn
so với thực tế. Ngoài ra, phần lớn bệnh tâm thần là mãn tính, người bệnh mắc bệnh
nhiều năm, gia đình người bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít có khả năng
quan tâm và phối hợp với các nhân viên y tế trong việc chăm sóc điều trị.
- Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã
phê duyệt Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên
ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020”,
trong đó có đưa ra nhiều mục tiêu, giải pháp ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ,
đãi ngộ trong tuyển dụng, đào tạo nhân lực y tế, tuy nhiên cho đến nay chưa có
một chính sách hay văn bản quy định đặc thù nào để thực hiện các nội dung trên
của Đề án này dẫn đến tình trạng khó tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
nhân viên y tế chuyên khoa tâm thần do đây là lĩnh vực tương đối nhạy cảm, thu
nhập tăng thêm thấp, ít có cơ hội làm việc ngoài giờ12.
Riêng Bệnh viện Tâm thần hiện còn thiếu khoảng 91 vị trí việc làm theo quy định13.
- Cơ sở vật chất xuống cấp,
trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu. Bệnh viện Tâm thần Hải
Dương thành lập từ năm 1967, được xây dựng, cải tạo, nâng cấp dần qua các năm.
Đến nay, theo báo cáo nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, không đồng bộ (đặc
biệt tại Khoa 2, Khoa 3, Khoa 4, Nhà khám bệnh và hệ thống cấp điện, điện chiếu
sáng và hệ thống thoát nước thải, sân vườn,… nhiều trang thiết bị được mua sắm
từ lâu đã hỏng, như máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa tự động,…14. Trong khi đó chưa có các quy định, hướng dẫn cụ
thể về định mức trang thiết bị, thuốc, vật tư, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ
thông tin,… cho các hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý bệnh
RLTT ở cả các cơ sở dự phòng cũng như cơ sở khám chữa bệnh tâm thần12.
- Từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện
Tâm thần đã chủ động mua thuốc cấp miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt tại
các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên do chưa tham mưu, ban hành văn bản
triển khai Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn
sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 (sau đây viết tắt là Quyết định số
155/QĐ-TTg) do đó chưa có cơ sở bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa
phương.
III. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đảm bảo cơ sở vật chất, trang
trang thiết bị, nguồn nhân lực tham gia khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần tại
tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
cho người rối loạn sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế. Tăng cường kiểm soát
các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và
quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền mắc bệnh, mắc bệnh,
tái phát bệnh tại cộng đồng; giảm tỷ lệ tàn tật, tử vong đặc biệt ở người mắc bệnh
tâm thần phân liệt và động kinh nhằm góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe của
Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) 100% cơ sở y tế, cơ sở giáo
dục và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng chống, phát
hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần và tư vấn, chuyển gửi đến các cơ sở y tế
để khám, điều trị, quản lý kịp thời.
b) 100% cơ sở y tế có chức năng
khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc các RLTT và trẻ tự kỷ được rà
soát, bổ sung kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ
sung nguồn nhân lực đáp ứng theo các quy định hiện hành. 100% nhân viên y tế
làm việc tại các khoa, chuyên khoa liên quan đến tâm thần kinh được đào tạo, tập
huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và được hưởng các chế độ, chính
sách theo quy định hiện hành.
c) 100% các cơ sở y tế triển
khai hoạt động khám, phát hiện người có biểu hiện hoặc mắc các rối loạn tâm thần
thường gặp. Tổ chức khám sàng lọc cho 50% trở lên cho người có nguy cơ mắc
RLTT, tư vấn chuyển gửi điều trị kịp thời cho 90% trở lên người bệnh được phát
hiện, chẩn đoán RLTT tới cơ sở y tế phù hợp.
d) Duy trì điều trị, tư vấn
tuân thủ điều trị, phục hồi chức năng, cấp phát thuốc miễn phí bằng nguồn ngân
sách địa phương cho 100% người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh được quản
lý tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Phấn đấu tỷ lệ điều trị ổn định, hạn chế
tái phát đạt trên 85%, tỷ lệ mạn tính, tàn phế giảm xuống dưới 15% ở người bệnh
tâm thần phân liệt; tỷ lệ điều trị ổn định, hạn chế tái phát cho trên 80%, tỷ lệ
mạn tính, tàn phế xuống dưới 20% ở người bệnh động kinh.
e) Phấn đấu 65% Trung tâm Y tế
tuyến huyện đủ điều kiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người mắc một
số rối loạn sức khỏe tâm thần; 50% số Trạm Y tế tuyến xã quản lý, cấp thuốc điều
trị cho người bệnh trầm cảm.
f) Ít nhất 100% nhân viên y tế
tại các cơ sở y tế; 50% nhân viên y tế hoặc người chăm sóc trẻ tại các cơ sở
giáo dục được đào tạo, tập huấn về sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp,
phòng ngừa, điều trị bệnh theo đúng quy định.
g) Ít nhất 60% số người trầm cảm,
trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và
người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng tại cơ sở y tế.
IV. CÁC GIẢI
PHÁP VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tăng
cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện
- Kiện toàn, nâng cao năng lực,
vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp (sau
đây viết tắt là Ban Chỉ đạo), trong đó chú trọng bổ sung các quy định triển
khai nhiệm vụ bảo vệ, phòng chống các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn
2023-2025. Ban Chỉ đạo chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế
hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần vào chỉ tiêu,
nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hàng năm và ưu tiên bố trí
nguồn lực để đạt được các mục tiêu đề ra.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong cộng đồng xã hội
đối với người bệnh tâm thần, đặc biệt là xóa bỏ quan niệm sai lệch trong việc
phòng, tránh phát sinh các rối loạn tâm thần. Giảm kỳ thị, xa lánh, mặc cảm đối
với người bệnh tâm thần. Tăng sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người bệnh tâm thần.
Tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người bệnh tham gia phục hồi chức năng tâm lý xã
hội, lao động nghề nghiệp tại gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh,
trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể
trong tỉnh triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng chống rối
nhiễu tâm trí cho người lao động, đặc biệt là phòng chống các yếu tố nguy cơ
gây bệnh đối với lứa tuổi học đường. Bố trí cơ sở vật chất, sân bãi, thiết bị
thể dục thể thao để đảm bảo môi trường an toàn và tăng cường hoạt động thể chất
cho học sinh. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe cho người lao động,
học sinh, sinh viên theo đúng quy định hiện hành.
- Tiếp tục tham mưu, lồng ghép
triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực y tế với
các hoạt động của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, như: chương trình về
người khuyết tật, phục hồi chức năng, phòng chống bệnh không lây nhiễm, cải thiện
dinh dưỡng,…Tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các Chỉ thị, Nghị
quyết, Chương trình hành động đảm bảo triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe
tâm thần, phòng chống các rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng
công tác đảm bảo tài chính cho các hoạt động này và đảm bảo chế độ đãi ngộ,
chính sách hợp lý đối với nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở chăm sóc người
bệnh tâm thần.
- Hàng năm, trên cơ sở đánh giá
kết quả triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống các rối loạn sức khỏe
tâm thần, kịp thời tham mưu cho chính quyền các cấp ban hành các kế hoạch bảo vệ
sức khỏe tâm thần, bố trí nguồn ngân sách triển khai thực hiện theo đúng quy định
của pháp luật. Đảm bảo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn ngân sách địa
phương để thực hiện mua, cấp phát miễn phí thuốc điều trị cho bệnh nhân được chẩn
đoán xác định mắc bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh đối với người đăng ký
thường trú, được chuyển tuyến về quản lý, chăm sóc, theo dõi, điều trị tại Trạm
Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Việc kê đơn thuốc hướng
thần, thuốc tiền chất đối với người bệnh tâm thần, động kinh theo đúng quy định
tại khoản 4, Điều 9 Thông tư số 52/2017/TT- BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế Quy
định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại
trú.
- Tăng cường sự phối hợp giữa
các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh - Xã
hội và Sở Giáo dục - Đào tạo trong việc triển khai thực hiện hoàn thành các mục
tiêu, chỉ tiêu tại Kế hoạch số 3235/KH- UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh về Thực
hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ
em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hải
Dương, giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Kế hoạch số 3235/KH-UBND).
2. Tăng
cường công tác truyền thông và vận động xã hội
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật. Cung cấp các bằng chứng khoa học,
thực tiễn và nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể,
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo
vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân.
- Xây dựng và phổ biến các tài
liệu truyền thông nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, hành vi của người
dân. hướng dẫn người dân tự kiểm tra sức khỏe, nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh;
khám sàng lọc, xác định bệnh, tuân thủ chế độ chăm sóc và điều trị theo đúng hướng
dẫn của nhân viên y tế.
- Sử dụng đa dạng và hiệu quả
các hình thức truyền thông, đặc biệt lồng ghép trong các sự kiện, hoạt động cộng
đồng; tổ chức các hội nghị, hội thảo cung cấp thông tin và tập huấn nâng cao
năng lực cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội về dự phòng, chăm sóc
sức khỏe tâm thần.
- Phát động phong trào toàn dân
nâng cao sức khỏe gắn với phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó chú
trọng xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe trong trường
học, ở nơi làm việc và tại cộng đồng. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống và tư vấn
tâm lý, truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua các chương trình,
hoạt động giáo dục phù hợp cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo
dục.
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất
chính sách, xã hội hóa công tác y tế để tăng cường cung cấp các dịch vụ dự
phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh tâm thần, phòng chống các rối nhiễu tâm
trí tại nhà, cộng đồng, cơ sở y tế, cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.
3. Phát
triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật
- Củng cố, tăng cường năng lực,
nhân lực của Bệnh viện Tâm thần, hoàn chỉnh mạng lưới y tế cơ sở, các đơn vị y
tế dự phòng, đặc biệt là Trạm Y tế tuyến xã để đảm bảo triển khai có hiệu quả hoạt
động phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn toàn tỉnh. Các bệnh
viện tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế tuyến huyện trên căn cứ mô hình tổ chức
hoạt động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo,
bồi dưỡng, bố trí nhân viên y tế để triển khai xây dựng khoa/đơn nguyên sức khỏe
tâm thần. Các Trạm Y tế tuyến xã đảm bảo thực hiện được các hoạt động khám chữa
bệnh tâm thần theo hình thức điều trị ngoại trú và triển khai hoạt động chăm
sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng theo đúng quy định.
- Phát triển, củng cố năng lực,
nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa để cung cấp dịch vụ
chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu các rối loạn sức khỏe tâm thần theo
phân tuyến kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, đồng thời
phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và
người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
- Tổ chức đánh giá hiện trạng,
tham mưu đề xuất các giải pháp phù hợp để xây dựng các cơ sở y tế khám bệnh, chữa
bệnh tâm thần phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ sở y tế. Giao Bệnh
viện Tâm thần đảm nhiệm vai trò là Bệnh viện sức khỏe tâm thần hoạt động theo
chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 17/2022/TT-BYT ngày
30/12/2022 của Bộ Y tế Quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Thông tư số 17/2022/TT-BYT).
- Các cơ sở y tế đặc biệt là cơ
sở khám sức khỏe cho lái xe đảm bảo triển khai hoạt động khám sàng lọc, kiểm
tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp để phát hiện sớm các bệnh,
yếu tố nguy cơ gây bệnh đặc biệt các rối loạn sức khỏe tâm thần cho người dân.
Đảm bảo công tác chuyển gửi; lập hồ sơ theo dõi, quản lý, tư vấn, dự phòng cho
người có yếu tố nguy cơ cao mắc rối loạn sức khỏe tâm thần. Thực hiện chẩn
đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu các rối loạn sức khỏe tâm thần tại các cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định; tổ chức cấp thuốc điều trị, tư vấn,
trị liệu tâm lý và chăm sóc, phục hồi chức năng, tái thích ứng cộng đồng cho
người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần tại cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng.
- Triển khai các gói dịch vụ y
tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do
Trạm Y tế thực hiện, đặc biệt là các danh mục kỹ thuật về tư vấn, sàng lọc phát
hiện sớm, giám sát, quản lý các rối loạn sức khỏe tâm thần theo đúng hướng dẫn
của Bộ Y tế.
- Đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết
yếu, trang thiết bị, vật tư, kỹ thuật cho các hoạt động dự phòng, sàng lọc,
phát hiện sớm và quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc hiệu quả người mắc các rối
loạn sức khỏe tâm thần.
- Rà soát, hoàn thiện, cập nhật
các hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần, như: Hướng dẫn dự
phòng, phát hiện, khám, quản lý điều trị, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng
cho người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần tại cơ sở y tế tuyến huyện, Trạm Y tế
tuyến xã, cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.
- Tổ chức rà soát, tham mưu cho
cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị được giao nhiệm vụ khám bệnh,
chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần theo quy định tại Thông
tư số 36/2016/TT-BYT ngày 29/09/2016 của Bộ Y tế Quy định việc thực hiện cơ chế
giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng người
bệnh phong, tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phong, tâm
thần của Nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 36/2016/TT-BYT).
- Ứng dụng công nghệ thông tin
trong phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm kết nối liên tục, chia sẻ
thông tin giữa các tuyến để bảo đảm theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của
cá nhân một cách liên tục; hệ thống hóa và đảm bảo công tác thống kê, báo cáo,
quản lý, bảo mật thông tin, số liệu.
4. Nâng
cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế và cộng tác viên tham gia hoạt động chăm
sóc sức khỏe tâm thần
- Xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa
tài liệu tập huấn chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở về dự phòng, phát hiện sớm,
chẩn đoán, quản lý, điều trị; tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc giảm nhẹ; giám
sát, quản lý thông tin số liệu người bệnh gắn với các quy định về đào tạo liên
tục và cập nhật kiến thức y khoa theo quy định của Bộ Y tế.
- Tham mưu cho cấp có thẩm quyền
ban hành chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích nhân
viên y tế, đặc biệt là bác sỹ tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về
chuyên khoa tâm thần; tổ chức đào tạo, tập huấn cho y, bác sỹ tại tuyến huyện để
khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; tập huấn cho cán bộ y tế xã về
khám, quản lý và cấp thuốc ngoại trú cho người bệnh tại cộng đồng; tập huấn cho
cán bộ y tế xã và y tế thôn, khu dân cư về sàng lọc, phát hiện các rối loạn sức
khỏe tâm thần; tập huấn cho người làm công tác trợ giúp xã hội và công tác viên
công tác xã hội về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người mắc các rối loạn về
tâm thần. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ, tổ chức học tập, trao đổi kinh
nghiệm; tập huấn giảng viên nguồn cho địa phương; kỹ năng phòng ngừa nguy cơ đối
với trẻ em tự kỷ và bị rối nhiễm tâm trí.
- Đào tạo các kỹ năng sàng lọc
phát hiện đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; đào tạo, bồi dưỡng
cho đội ngũ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ;
khảo sát, đánh giá giữa kỳ, chuyên đề về sức khỏe tâm thần.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát,
hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ
giúp xã hội. Tăng cường công tác điều tra, giám sát, đánh giá thực trạng và chiều
hướng của các yếu tố nguy cơ phổ biến; thống kê, phân tích nguyên nhân tử vong
của các rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Tăng cường
sự tham gia, hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực bảo vệ
sức khỏe tâm thần
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
tăng cường nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và
kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị, thúc đẩy hành động nhằm
giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần. Chủ động tích cực thực hiện hợp
tác với các nước tiên tiến cùng các tổ chức quốc tế, các viện, trường đại học,
tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo
nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phòng ngừa, kiểm soát
các rối loạn tâm thần.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Dự kiến nguồn kinh phí thực
hiện
- Nguồn ngân sách địa
phương được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành
đoàn thể và các địa phương để triển khai hoạt động phòng, chống rối loạn sức khỏe
tâm thần theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện
hành.
- Nguồn kinh phí do Quỹ bảo hiểm
y tế chi trả
- Nguồn thu viện phí của cơ sở
y tế
- Nguồn xã hội hóa và các nguồn
kinh phí hợp pháp khác
2. Kinh phí dự kiến cho hoạt
động chăm sóc, điều trị RLTT
Đơn
vị tính: nghìn đồng
TT
|
Nguồn kinh phí thực hiện
|
Dự kiến kinh phí
|
Ghi chú
|
1.
|
Nguồn ngân sách địa phương
|
3.229.680
|
|
2.
|
Nguồn Quỹ bảo hiểm y tế
|
60.000.000
|
|
3.
|
Nguồn thu viện phí
|
7.000.000
|
|
4.
|
Nguồn khác
|
100.000
|
|
|
Tổng cộng
|
70.329.680
|
|
(Số tiền bằng chữ: Bảy mươi
tỷ ba trăm hai mươi chín triệu sáu trăm tám mươi nghìn đồng chẵn)15.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành các chế độ, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng,
chống rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh; các chế độ, chính sách đặc
thù thuộc lĩnh vực y tế trong đó chú trọng đến chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với
người làm công tác pháp y tâm thần, chăm sóc sức khỏe tâm thần để đảm bảo tuyển
đúng, tuyển đủ nhân viên y tế làm tại các cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội.
Nghiên cứu triển khai thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng
thời tham mưu thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,
chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
chuyên khoa tâm thần của Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 36/2016/TT-BYT.
- Phối hợp với các sở, ngành
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án tăng cường năng lực Hệ thống
chăm sóc sức khoẻ tâm thần tỉnh Hải Dương đến năm 2030 phù hợp với các quy định
hiện hành và triển khai có hiệu quả Thông tư số 17/2022/TT-BYT ngày 30/12/2022
của Bộ Y tế; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đào tạo bác sỹ theo hình
thức đặt hàng với các Trường Đại học Y theo đề xuất của các sở, ngành để triển
khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho Nhân dân.
- Phối hợp với các sở, ngành có
liên quan tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng hoàn thiện Nghị
quyết quy định nội dung, định mức chi các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu
Y tế - Dân số sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí triển khai các hoạt
động chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Hàng năm chủ động xây dựng,
ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên chuyên môn theo đúng hướng dẫn
của Bộ Y tế; Xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo theo quy định tài chính gửi Sở
Tài chính để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí triển khai hoạt động
phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần theo Kế hoạch này.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong
tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện hoạt động hỗ trợ y tế, phục
hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễm tâm trí tại cộng
đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác
viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và rối nhiễm tâm trí và
các nhiệm vụ khác theo quy định tại Kế hoạch số 3235/KH-UBND.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần
cho các cơ sở y tế tuyến dưới và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế tiếp
tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3067/KH-UBND ngày 30/9/2019 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch,
đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không
lây nhiễm khác tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025. Chỉ đạo rà soát, tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi bổ sung, triển khai các biện pháp phòng chống
bệnh không lây nhiễm phù hợp với Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của
Thủ tướng Chính phủ.
2. Sở Lao
động, Thương binh và Xã hội
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành đoàn thể và địa phương tổ chức triển khai hoàn thành các nhiệm
vụ được giao tại Kế hoạch số 3235/KH-UBND.
- Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp
trực thuộc tổ chức các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản
lý điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội
thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; phối hợp với các đơn vị
trong ngành y tế tổ chức chăm sóc, điều trị, quản lý người tâm thần, trẻ em tự
kỷ và người rối nhiễu tâm trí trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của
đơn vị.
3. Sở
Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh,
sinh viên, học viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai các chương
trình phòng ngừa, can thiệp sớm các trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện
tự kỷ và rối nhiễm tâm trí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; hoàn thiện
chính sách và chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ sở y tế
có liên quan thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, phục hồi khả năng học tập
và học nghề cho học sinh, sinh viên, học viên bị tự kỷ, rối nhiễm tâm trí và mắc
bệnh tâm thần.
4. Sở Tài
chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân
sách của tỉnh hàng năm, trên cơ sở kế hoạch và dự toán chi tiết do Sở Y tế, các
cơ quan đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng, thẩm định, Sở Tài chính tổng hợp,
tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo đúng
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
5. Sở
Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế
và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin,
báo chí, Đài Phát thanh cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh thực
hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền tổ chức triển khai Kế hoạch này trên
địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chăm sóc, phòng chống
rối loạn sức khỏe tâm thần, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và các nội dung khác có
liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Các sở,
ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch
này; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có
liên quan và các biện pháp phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần cho cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị.
7. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch này chủ động
xây dựng Kế hoạch phòng chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; đưa các mục tiêu,
chỉ tiêu vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
- Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật
chất theo phân cấp quản lý; quan tâm đến đời sống, tinh thần của cán bộ, nhân
viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, bảo trợ xã hội tại địa
phương để đảm bảo triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị,
phục hồi chức năng; giảm tỷ lệ tiến triển thành bệnh nhân tâm thần ở người có
nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần và giảm tỷ lệ tái phát, tàn phế mạn tính
ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát,
báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch theo yêu cầu của các sở, ngành có
liên quan theo đúng quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng chống
rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh, yêu cầu
các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố
nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp
thời phản ánh về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe
ban đầu tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để b/c)
- Bộ Y tế; (để b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/c)
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX, P(05).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh Hùng
|
PHỤ LỤC
DỰ KIẾN KINH PHÍ TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 4937/KH-UBND ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh
Hải Dương)
Đơn
vị tính: Nghìn đồng
TT
|
Nội dung hoạt động
|
Kinh phí dự kiến
|
2024
|
2025
|
Tổng
|
1.
|
Đào tạo, tập huấn
|
100.000
|
100.000
|
200.000
|
2.
|
Mua, cấp phát miễn phí thuốc
điều trị bệnh tâm thần phân liệt và động kinh
|
800.000
|
800.000
|
1.600.000
|
3.
|
Hỗ trợ NVYT làm bảng hỏi Beck
hoặc đánh giá trầm cảm
|
30.000
|
30.000
|
60.000
|
4.
|
Hỗ trợ NVYT khám sàng lọc tại
cộng đồng
|
253.800
|
220.320
|
474.120
|
5.
|
Hỗ trợ Trạm Y tế cấp phát thuốc
hàng tháng
|
423.000
|
367.200
|
790.200
|
6.
|
Hỗ trợ NVYT tập PHCN cho người
tâm thần tại cộng đồng
|
56.400
|
48.960
|
105.360
|
|
Tổng cộng
|
1.663.200
|
1.566.480
|
3.229.680
|
Ghi chú:
Kinh phí từ mục 3 đến mục 6 dự kiến thực hiện theo dự thảo Nghị quyết quy định
nội dung, định mức chi các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số sử
dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025.
1 Mental health: a state of well-being
[http://www.who.int/features/factfiles/mental_health/en/]; Mental disorders
[http://www.who.int/topics/mental_disorders/en/]
2
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-disorders
3 Substance A, Mental Health Services
Administration RMDCfMHS, National Inst. of Mental Health RMD: Mental Health: A
Report of the Surgeon General. Executive Summary; 1999
4 Quyết định số 4469/QĐ-BYT ngày 28/10/2020
của Bộ Y tế về việc ban hành “Bảng phân loại quốc tế mã bệnh tật, nguyên nhân tử
vong ICD-10” và “Hướng dẫn mã hóa bệnh tật theo ICD-10” tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh.
5 Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020
của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức
năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng,
giai đoạn 2021-2030.
6 Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Accessed
December 25, 2022. https://www.who.int/vietnam/vi/health- topics/mental-health.
7 UNICEF (2022): Nghiên cứu toàn diện về
các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát
triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam.
8 Bộ Y tế: Dự thảo Đề án tăng cường năng lực
hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030.
9 Báo cáo số 178/BC-SYT ngày 10/12/2020 của
Sở Y tế về việc tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn
2016-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hải Dương.
10 Báo cáo số 2998/BC-SLĐTBXH ngày
13/7/2023 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh về kết quả trợ giúp xã hội
6 tháng đầu năm 2023.
11 Toàn quốc chỉ có 9,1% (59/649) cơ sở y
tế tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho người bệnh tâm thần (Bộ
Y tế: Dự thảo Đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần
giai đoạn 2023-2030).
12 Bộ Y tế: Dự thảo Đề án tăng cường năng
lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030.
13 Dự kiến, số lượng người làm việc tại Bệnh
viện Tâm thần theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của
Bộ Y tế Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu
viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
14 Tờ trình số 505/TTr-BVTT ngày
03/10/2023 của Bệnh viện Tâm thần về việc đề nghị Sở Y tế cấp kinh phí mua sắm
trang thiết bị và bảo trì sửa chữa các công trình cho Bệnh viện Tâm thần Hải
Dương năm 2024 từ nguồn vốn sự nghiệp y tế và nguồn vốn khác.
15 Đối với nguồn ngân sách địa phương: có
bảng dự kiến kinh phí theo Phụ lục đính kèm. Nguồn Quỹ bảo hiểm y tế và nguồn
thu viện phí: tổng hợp theo nguồn thu thực tế của Bệnh viện Tâm thần từ năm
2020 đến nay. Nguồn khác: dự kiến nguồn tài trợ hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân
(nếu có).