Kế hoạch 49/KH-UBND năm 2014 tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 49/KH-UBND
Ngày ban hành 13/05/2014
Ngày có hiệu lực 13/05/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 05 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC SẢN XUẤT THỰC PHẨM AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta giành được nhiều thắng lợi khá toàn diện cả về năng suất, sản lượng, tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú với chất lượng ngày càng nâng lên phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản, thủy sản đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả nhất định. Nhận thức của các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (ATTP) bước đầu đã có chuyển biến. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản được xây dựng và từng bước kiện toàn; việc thực hiện phân công, phân cấp và phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng; việc sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp; số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, giống nòi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên là do hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, còn đơn giản. Sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ, khó phân biệt sản phẩm đã kiểm soát ATTP và chưa kiểm soát ATTP, thiếu liên kết hoặc chưa liên kết bền vững giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và tiêu thụ.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; với một số nội dung, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản và thủy sản an toàn có xác nhận, xây dựng thương hiệu, uy tín chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản của địa phương trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sức sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2015

- Sản phẩm rau: Toàn tỉnh có 2.142 ha sản xuất rau an toàn, trong đó vùng sản xuất tập trung có quy mô 1.781 ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; năng suất rau an toàn bình quân đạt 124 tạ/ha trở lên, sản lượng ước đạt 80.000 tấn.

- Sản phẩm chăn nuôi:

+ 30% số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).

+ 50% cơ sở giết mổ tập trung áp dụng các chương trình quản lý chất lượng như HACCP, GMP; 80% thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm ăn được khi lưu thông trên thị trường được kiểm tra và đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y theo quy định; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung so với tổng sản lượng thịt đạt 30%.

- Sản phẩm thủy sản:

+ 80% cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng, cá rô phi thâm canh áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); các vùng nuôi ngao tập trung được kiểm soát an toàn thực phẩm.

+ Có 20 tàu cá công suất trên 90 CV áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch tiên tiến.

+ Có 80% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng (GMP, SSOP, HACCP).

- 50% các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được chứng nhận và công bố hợp quy (áp dụng QCVN).

b) Mục tiêu đến năm 2020

- Sản phẩm rau: Toàn tỉnh có 3.780 ha sản xuất rau an toàn; trong đó vùng sản xuất tập trung có quy mô trên 3.000 ha với 105 vùng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh; năng suất rau an toàn bình quân đạt 133 tạ/ha trở lên.

- Sản phẩm chăn nuôi:

+ 70% số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).

+ 100% cơ sở giết mổ tập trung đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng như HACCP, GMP; 100% thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm ăn được khi lưu thông trên thị trường được kiểm tra và đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y theo quy định; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung so với tổng sản lượng thịt đạt trên 80%.

- Sản phẩm thủy sản:

+ Có 450 ha nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng VietGAP; 40 ha nuôi cá rô phi áp dụng VietGAP; 1100 ha nuôi ngao được kiểm soát ATTP trong thu hoạch và chứng nhận được nguồn gốc xuất xứ.

[...]