Kế hoạch 487/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2023

Số hiệu 487/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2023
Ngày có hiệu lực 09/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 487/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 09 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH CAO BẰNG NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số 5406/BTTTT-CĐSQG ngày 03/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2023 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2022

1. Nhận thức số

1.1. Kết quả đạt được

Công tác chuyển đổi nhận thức số trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số các cấp và các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số với các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến gắn bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương; tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nội dung số, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; giới thiệu, hướng dẫn người dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, hướng dẫn sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến với bệnh viện, tiến tới sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh việc tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Cao Bằng.

1.2. Tồn tại, hạn chế

Việc triển khai nâng cao nhân thức số cũng như hưởng ứng Ngày chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó chủ yếu: Mặt bằng về nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh còn chưa cao, trình độ công nghệ số của người dân chưa đồng đều, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn thấp nên khi tiếp cận với các nền tảng công nghệ số còn lúng túng; hạ tầng số còn chưa đáp ứng, điều kiện thực tế còn gặp nhiều khó khăn như một số thôn, xóm chưa có điện, chưa có internet (toàn tỉnh hiện còn 436 thôn, bản trắng sóng), nhiều hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh.

2. Thể chế số

2.1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

Để có chủ trương chỉ đạo ở tầm chiến lược, tổng thể đối với công tác chuyển đổi số tại địa phương, ngày 07/3/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[1]; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025[2]. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 89/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định mức giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại địa phương, như: Kế hoạch Xác định chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số[3]; Kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022[4]; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[5]; Kế hoạch triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng[6]; Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng[7]; Kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng[8];...

100% các huyện, thành phố đã thành lập BCĐ chuyển đổi số và ban hành quy chế hoạt động; các huyện và thành phố đã triển khai thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thôn xóm, đến thời điểm hiện tại đã thành lập 1462 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử...; 100% cấp huyện ban hành Kế hoạch hoạt động của BCĐ chuyển đổi số, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số hàng năm.

2.2. Hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh

BCĐ chuyển số tỉnh đã được kiện toàn theo Quyết định số 749/QĐ-UBND ngày 23/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, BCĐ chuyển đổi số tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập, kiện toàn BCĐ chuyển đổi số cấp huyện. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 và trách nhiệm của từng thành viên cụ thể, BCĐ chuyển đổi số tỉnh đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 202210.

3. Hạ tầng kỹ thuật

3.1. Kết quả đạt được

Hạ tầng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) cấp II đã kết nối từ trung tâm tỉnh đến cấp xã, sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ về ứng dụng và khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng và nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng liên kết các cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh chưa được thiết lập, tái cấu trúc theo mô hình mạng diện rộng (WAN) để triển khai các ứng dụng dùng chung, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) của Chính quyền điện tử, vì thế chưa đáp ứng yêu cầu đồng nhất hạ tầng mạng cho việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh.

Hạ tầng mạng bưu chính, viễn thông phát triển đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đến hầu hết các thôn bản và khu vực biên giới, 100% UBND cấp huyện và cấp xã được kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang và băng rộng di động 3G, 4G, cụ thể: 66.164/140.391 hộ gia đình có internet cáp quang (đạt 47,13%). Toàn tỉnh đã phát triển tổng số vị trí trạm BTS là 1.136 vị trí (trong đó có: 806 trạm 2G; 939 trạm 3G và 1071 trạm 4G); 30% các xã có đài truyền thanh; 02 huyện được trang bị màn hình LED cỡ lớn phục vụ công tác tuyên truyền tại biên giới (Tà Lùng và Bản Giốc); 100% huyện và xã có đường thư bưu chính và được phát báo nhân dân và một số ấn phẩm tuyên truyền khác.

Các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được kết nối internet băng thông rộng, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển Chính quyền điện tử.

Trung tâm dữ liệu tỉnh hiện đang vận hành một số ứng dụng, hệ thống thông tin của tỉnh: Hệ thống truy xuất nguồn gốc; CSDL công chứng, chứng thực; Hệ thống kết nối người dân với Chính quyền; phần mềm hội nghị trực tuyến nội bộ. Năng lực về hạ tầng, trang thiết bị của Trung tâm dữ liệu chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian tới.

Máy tính cho cán bộ, công chức phục vụ công việc cơ bản đáp ứng yêu cầu làm việc với tỷ lệ trang bị 100% tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và 80% tại cấp xã. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên nâng cấp, bảo trì, thay thế máy tính tại các cơ quan, đơn vị song chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, còn nhiều máy tính cấu hình thấp, kém ổn định.

Một số ngành, đơn vị đã triển khai và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành (tài chính, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục,...).

3.2. Tồn tại, hạn chế

Hạ tầng thiết bị, mạng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, trang bị máy tính tại các cơ quan, đơn vị một phần đã xuống cấp và cấu hình yếu chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, CDSL. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông tài trợ đã lâu, trang thiết bị đã xuống cấp, bản quyền phần mềm đã hết hạn dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu vận hàng cho các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 436 thôn chưa có sóng di động.

[...]